MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc loại bỏ bộ phận an toàn giao thông đối với một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách không khác gì là hành vi coi thường tính mạng con người. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bỏ các quy định về quản lý an toàn trong vận tải là không phù hợp

TIẾN NGUYỄN LDO | 12/11/2019 15:41
Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày về những nội dung chưa được tiếp thu đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Tính mạng con người là trên hết

Theo Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, đối với ngành vận tải, tính mạng con người phải được đặt lên hàng đầu, vì thế các quy định về quản lý an toàn là rất cần thiết. Việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tham mưu cắt bỏ các quy định về quản lý an toàn trong lĩnh vực vận tải là không phù hợp, doanh nghiệp mất kiểm soát an toàn.

Cụ thể, giám sát an toàn giao thông (ATGT) của lái xe là một trong những hoạt động quan trọng của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Với số lượng xe tham gia kinh doanh vận tải khổng lồ như hiện nay, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… đều cần có bộ phận theo dõi ATGT để giám sát an toàn nhằm đảm bảo chất lượng vận tải cũng như chia sẻ gánh nặng quản lý của cơ quan chức năng.

Từ khi ra đời đến nay, những người kinh doanh vận tải luôn tâm niệm an toàn là ưu tiên số một. Ngoài việc mua bảo hiểm theo luật định, các doanh nghiệp vận tải phải thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, loại trừ tối đa rủi ro tai nạn giao thông cho khách hàng. Có thể nói, tính mạng con người là thứ quý giá nhất, do vậy các quy định pháp luật cũng phải coi đó là mục tiêu bảo vệ. Việc loại bỏ bộ phận ATGT đối với một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách không khác gì là hành vi coi thường tính mạng con người.

Mặt khác, trong cùng một lĩnh vực vận tải, cùng có khả năng gây hậu quả pháp lý giống nhau, nhưng điều kiện kinh doanh lại khác nhau, cho thấy sự thiếu công bằng và có thể xuất hiện lỗ hổng pháp lý, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, cần giữ nguyên quy định tại khoản 5 Điều 11 của Dự thảo Nghị định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng hợp đồng điện tử phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT theo quy định”.

Chưa tiếp thu kết luận của Thủ tướng

Theo khoản 2, Điều 13, Dự thảo Nghị định: “Trước ngày 31.12.2020, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông tối thiểu 24 giờ gần nhất và cung cấp cho cơ quan Công an khi có yêu cầu”.

Trong khi đó, kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2019, nêu rõ: “Phải có quy định về xây dựng hạ tầng công nghệ nhằm kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch cấp, thu hồi giấy phép lái xe… giữa các cơ quan quản lý nhà nước”.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu: “Bộ GTVT xem lại, nếu các dữ liệu camera không phải là bí mật Quốc gia thì phải được dùng chung chia sẻ với các cơ quan quản lý nhà nước khác (Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tài chính). Ở đây, Bộ GTVT tiếp thu chưa đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình. Việc quản lý hình ảnh ghi được từ camera cần “kết nối, chia sẻ, liên thông”, quản lý trực tiếp bởi cơ quan nhà nước thay vì khi có yêu cầu mới đưa ra.

Cũng theo Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, kết luận buổi họp rà soát Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô ngày 25.10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu: “Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung quy định, lộ trình tích hợp camera với thiết bị giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải để phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước”. Thực tế, nhà nước bắt buộc các doanh nghiệp đầu tư hàng trăm nghìn tỉ đồng để mua thiết bị camera, giám sát hành trình, nhưng lại không muốn xây dựng hạ tầng kết nối, chia sẻ, liên thông đồng bộ, sử dụng dữ liệu sẵn có của doanh nghiệp thì rất lãng phí. Đặc biệt trong thời điểm dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá như hiện nay, nhất là trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Từ những tồn tại đó, Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam kiến nghị: Trước ngày 31.12.2021, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách phải lắp camera để ghi, lưu trữ hình ảnh, đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau đây: Lưu trữ và truyền dẫn hình ảnh gồm: Lái xe, hành khách, thời gian lái xe liên tục. Thông tin hình ảnh từ thiết bị camera lắp trên xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, là căn cứ để giám sát, xử lý các hành vi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, dữ liệu được kết nối chia sẻ với Bộ Công an, Bộ Tài chính để thực hiện quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn giao thông, thuế theo thẩm quyền.

Dữ liệu camera của các phương tiện được kết nối, lưu trữ tại máy chủ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá hoặc làm sai lệch hình ảnh. Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện duy trì hoạt động thiết bị camera để đảm bảo cung cấp được các thông tin quy định tại điểm a Khoản 2 của Điều này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn