MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1 ngày đầu tiên thu phí sau gần 5 năm tạm dừng hoạt động.Ảnh: Th.N

BOT Cai Lậy thu phí trở lại sau gần 5 năm tạm dừng: Đảm bảo trật tự, an toàn

Thành Nhân LDO | 08/10/2022 06:37

Vào lúc 7 giờ ngày 7.10, BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại sau gần 5 năm tạm dừng. Trong ngày đầu thu phí diễn ra khá thuận lợi, mặc dù vẫn còn một số tài xế tỏ ý chưa hài lòng với việc đặt trạm BOT trên Quốc lộ 1.

Đảm bảo trật tự trong ngày đầu thu phí

Lúc 7h ngày 7.10, Trạm thu phí BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1 và trên tuyến tránh chính thức thu phí trở lại sau gần 5 năm tạm dừng. Giá vé tại trạm thu phí ở Quốc lộ 1 (theo mức thuế VAT 8%) thấp nhất là 14.000 đồng, cao nhất là 118.000 đồng. Giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí tuyến tránh (theo mức thuế VAT 8%) thấp nhất là 24.000 đồng, cao nhất là 137.000 đồng.

Trong phạm vi gồm 41 xã, phường, thị trấn sẽ miễn giảm cho các xe vùng lân cận trạm thu phí. Đối tượng giảm giá là các xe cơ giới của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú (chủ sở hữu là cá nhân) và có trụ sở chính (chủ sở hữu là các tổ chức, doanh nghiệp) trên địa bàn 41 xã, phường, thị trấn trong phạm vi bán kính 10km quanh trạm thu phí km1990+300 Quốc lộ 1, đồng thời với địa chỉ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Mức giảm giá: Các loại xe buýt, phương tiện không sử dụng để kinh doanh giảm 100%; các loại xe sử dụng để kinh doanh giảm 50%. Thời gian chính thức thu phí trở lại vào ngày 7.10.2022 và chưa tính toán được thời gian thu phí hoàn vốn.

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, trong ngày đầu thu phí BOT trở lại tại Trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1, mặc dù vẫn còn một số tài xế không hài lòng vị trí đặt trạm BOT trên Quốc lộ 1 nhưng họ vẫn trả tiền qua trạm này. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự, ATGT tại Trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1 được đảm bảo.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Nguyễn Minh Xuân (ngụ ở tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, Quốc lộ 1 đã có từ xưa đến giờ, mà bây giờ đặt trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1 như vậy sẽ thiệt thòi vì hằng tháng, hằng năm xe vẫn phải đóng phí đường bộ, nếu đặt trạm BOT trên tuyến tránh thì sẽ hợp lý hơn.

Tương tự như anh Xuân, anh Đào Minh Trí (ngụ ở tỉnh Kiên Giang) cho biết, anh không hài lòng việc đặt trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1 vì hằng năm đã phải đóng phí đường bộ rồi.  

Doanh nghiệp kêu khó

Dự án BOT Cai Lậy có điểm đầu tại km1987+560, Quốc lộ 1 thuộc địa phận thị xã Cai Lậy, điểm cuối tại km2014+000, Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cái Bè (Tiền Giang) do Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài dự án 38,46km, trong đó xây dựng tuyến tránh dài 12,02km và cải tạo, tăng cường nền, mặt đường quốc lộ 1 dài 26,44km, với tổng vốn đầu tư cho dự án là 1.398 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu ban đầu 210 tỉ đồng, vốn vay 1.178 tỉ đồng. Ngoài ra, vốn sở hữu bổ sung xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh, điều chỉnh, bổ sung công nghệ, thiết bị trạm thu phí Quốc lộ 1 để phù hợp theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ là 60 tỉ đồng.

Dự án BOT Cai Lậy khởi công năm 2014, hoàn thành và bắt đầu thu phí từ ngày 1.8.2017. Tuy nhiên, sau đó gặp sự phản đối của nhiều tài xế nên phải dừng thu phí sau gần 5 năm.

Theo ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, do đã dừng thu phí hơn 5 năm nên nguồn thu của doanh nghiệp là bằng 0. Tuy nhiên với trách nhiệm cao, trong thời gian dừng thu phí, doanh nghiệp dự án vẫn duy trì công tác duy tu, bảo trì, thực hiện sửa chữa các hư hỏng, đảm bảo ATGT trên tuyến và hằng tháng phải trả lãi vay, hiện tại đã hơn 500 tỉ đồng. Đến nay doanh nghiệp dự án đã bị đưa vào danh sách nợ nhóm 2 và đứng trước nguy cơ phá sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn