MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây cầu dài gần 30m nối 2 bờ sông Nhuệ (xã Văn Hoàng, Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh: Hữu Chánh

"BOT làng" tồn tại hơn 25 năm ở Hà Nội

HỮU CHÁNH LDO | 02/06/2024 17:28

Hà Nội - Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người dân thôn Nội (xã Văn Hoàng, Phú Xuyên) tự góp tiền xây dựng cầu bêtông rồi thu phí qua cầu từ đó đến nay.

Năm 1998, người dân thôn Nội (xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) tự góp tiền xây dựng cầu bêtông thay thế cầu tre xuống cấp, phục vụ nhu cầu đi lại.

Công trình bắc qua sông Nhuệ, được xây dựng bằng bêtông với chiều dài gần 30m, rộng khoảng 4m. Hai bên thành cầu lắp rào chắn sắt để đảm bảo an toàn.

Chi phí xây dựng cầu thời điểm đó do người dân thôn Nội đóng góp. Do đó, sau khi công trình hoàn thành, thôn đã tiến hành thu phí qua lại để hoàn vốn.

Người dân thôn Nội lập trạm thu tiền của các phương tiện đi qua cầu Nội Cói suốt hơn 25 năm qua. Ảnh: Hữu Chánh

Ghi nhận thực tế của phóng viên những ngày đầu tháng 6.2024 cho thấy, sau hơn 25 năm từ ngày đưa vào sử dụng, hoạt động thu phí đến nay vẫn đang diễn ra. Trạm thu phí là một nhà cấp bốn ở đầu cầu và có người túc trực.

Phía đường dẫn vào cầu có barie và biển báo "Thu phí qua cầu, cấm các loại trọng tải trên 1 tấn qua cầu".

Theo tìm hiểu, tất cả người dân không phải là dân thuộc xã Văn Hoàng đều phải trả phí. Tại thời điểm này, mức phí qua cầu đối với người đi xe máy là 3.000 đồng/lượt.

Từ tháng 7.2023 đến nay, bà Hoa (62 tuổi) được thôn Nội giao thầu trông nom, quản lý cầu. Một năm, bà phải đóng cho thôn Nội gần 11 triệu đồng.

"Thực tế hiện nay, người dân các địa phương khác ít qua lại cầu, nên số tiền thu phí là không nhiều, tôi phải làm thêm các công việc khác như làm hương vòng thủ công, bán nước,... để kiếm thêm thu nhập" - bà Hoa nói.

Cầu Nội Cói được người dân thôn Nội góp tiền xây dựng năm 1998. Ảnh: Hữu Chánh

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Hải (Bí thư chi bộ thôn Nội, xã Văn Hoàng) cho hay, việc thu phí qua cầu đã diễn ra từ 1998 - thời điểm cầu đưa vào sử dụng đến nay.

Theo đó, hàng năm, thôn sẽ giao thầu cho một hộ trong thôn. Người trúng thầu sẽ có trách nhiệm trông nom, quản lý.

“Cứ vài năm, thôn lại bảo dưỡng, sửa chữa cầu với chi phí 30-40 triệu đồng. Nếu còn dư, số tiền còn lại sẽ sung công quỹ” - ông Hải nói.

Việc thu phí qua cầu áp dụng với những người ở ngoài địa phận xã Văn Hoàng, còn tất cả người dân trong thôn Nội, công nhân viên chức ngoài xã Văn Hoàng về đây làm việc và người dân ở trong xã Văn Hoàng sẽ không phải đóng phí khi qua cầu.

Cầu Nội Cói (mới) hoàn thành hơn 1 năm, phục vụ người dân đi lại thuận lợi. Phía xa là cầu Nội Cói cũ xây dựng năm 1998. Ảnh: Hữu Chánh

Theo ông Hải, trước đây, mỗi ngày có thể thu về vài trăm nghìn đồng từ việc thu phí qua cầu.

Tuy nhiên, hơn một năm qua, khi cầu Nội Cói mới cách cầu cũ gần 800m được khánh thành, phần lớn người dân đều đi cầu mới, nên số tiền thu phí qua cầu Nội Cói cũ không còn được bao nhiêu.

"Hiện cầu Nội Cói cũ chủ yếu phục vụ việc đi lại, sản xuất của nhân dân trong thôn" - ông Hải cho biết thêm.

Năm 2017, báo chí từng phản ánh tình trạng thu phí tại đây. Đại diện UBND xã Văn Hoàng thời điểm đó cho biết, cây cầu bêtông bắc qua sông Nhuệ do người dân thôn Nội đóng góp xây dựng nên họ thu phí để bảo dưỡng, duy tu cầu hàng năm là chuyện “hết sức bình thường”.

Do chính quyền xã không có nguồn kinh phí cho việc bảo dưỡng cầu nên xã đã ủy quyền cho thôn tự thu phí để thực hiện việc này.

Đại diện UBND xã cũng thừa nhận, xét về khía cạnh quản lý nhà nước và pháp luật, việc thu phí là chưa đúng. Chính quyền địa phương sau đó đã báo cáo sự việc lên UBND huyện để có hướng xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn