MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án cao tốc Buôn Mê Thuột - Khánh Hòa đang triển khai thi công. Ảnh: Bảo Trung

Các tỉnh Tây Nguyên mong mỏi đầu tư cao tốc phía Tây trước năm 2030

THANH TUẤN LDO | 18/03/2024 12:47

Ngày 18.3, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk đã nhận được công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị ký gửi Bộ Giao thông Vận tải về đề nghị quan tâm đầu tư dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây ưu tiên trước năm 2030. Qua đó, giúp phát triển kinh tế xã hội, kết nối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên.

Khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích hơn 54.641km2 , bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia, có đường biên giới giáp Lào và Campuchia dài 554km.

Các tỉnh là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại - du lịch của các nước tiểu vùng sông Mê Kông và vùng biển Đông. Đồng thời là vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su và sản xuất rau, hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu, vùng phát triển nông - lâm nghiệp, thủy điện - thủy lợi, khai thác chế biến bauxit…

Đến năm 2030, để Tây Nguyên được chuyển mình phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững, trong đó, nhân tố then chốt là các tuyến đường cao tốc liên vùng, mở ra không gian kết nối với các tỉnh lân cận thuộc vùng Tây Nguyên.

Ngoài các tuyến cao tốc đang triển khai xây dựng, các tỉnh Tây Nguyên mong muốn Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, thúc đẩy đầu tư tuyến cao tốc có tiến trình đầu tư trước năm 2030, gồm: Tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dài 160km, quy mô 6 làn xe; Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) dài 105km, quy mô 6 làn xe.

Các tuyến cao tốc này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng trước năm 2030 và kết nối các dự án cao tốc đang triển khai xây dựng trong khu vực. Qua đó từng bước đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông chất lượng cao, phù hợp với phát triển vận chuyển hành khách hàng năm từ 51 triệu khách tăng lên 103 triệu khách, tăng bình quân 7,3%/năm.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển từ 23 triệu tấn lên 58,5 triệu tấn, tăng bình quân 9,8%/năm cao hơn so với mức tăng chung của cả nước 8,2%/năm, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng trong khu vực Tây Nguyên và tạo liên kết vùng khu vực Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ cùng phát triển.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Đến nay, cả nước đã có khoảng 1.822km đường bộ cao tốc và đang tiếp tục tích cực triển khai xây dựng các dự án khác bảo đảm đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 3.000km và đến năm 2030 có khoảng 5.000km.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn