MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỉ đồng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cận cảnh tuyến đường Vành đai 2 ở Hà Nội trước giờ thông xe

PHẠM ĐÔNG - VĨNH HOÀNG LDO | 11/01/2023 05:00
Hà Nội - Sau hơn 4 năm thi công, đến nay khối lượng công việc của tuyến đường Vành đai 2 trên cao đã được hoàn thiện, sẵn sàng cho lễ thông xe vào sáng nay (11.1). 

Hà Nội đã chốt ngày 11.1 thông xe Vành đai 2 trên cao (đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy), kết hợp với mở rộng đường dưới thấp theo quy hoạch, đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng.

Dự án đường Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở (phía đường Trường Chinh), bao gồm 5km tuyến đường bộ trên cao và 3km phần mở rộng dưới thấp, có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỉ đồng, nối liền 3 quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.

Tuyến đường Vành đai 2 đã sẵn sàng cho việc thông xe. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dự án gồm các hạng mục: Cầu chính (bề mặt 19m), cầu dẫn (bề mặt 7m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở, có vai trò kết nối quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Theo ghi nhận của Lao Động, tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy đã hoàn thành tất cả các hạng mục và sẵn sàng thông xe. Hệ thống biển báo giao thông, đèn chiếu sáng cũng đã được công nhân lắp đặt xong.

Dự án sau được kỳ vọng giảm ùn tắc, áp lực giao thông cho các tuyến đường quanh khu vực. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Ông Nguyễn Xuân Kiên (42 tuổi, Minh Khai, Hai Bà Trưng) hy vọng khi dự án được đưa vào sử dụng sẽ giúp làm giảm tình trạng ùn tắc trên tuyến đường phía dưới và lân cận.

“Do khu vực này tập trung rất đông dân cư với nhiều khu đô thị lớn nên cứ vào giờ cao điểm, lượng phương tiện đổ ra rất lớn khiến cho tuyến đường luôn trong tình trạng ùn tắc cục bộ. Tôi mong rằng khi dự án được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng này”, ông Kiên nói.

Trước khi tuyến Vành đai 2 trên cao (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở) thông xe, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, đã họp bàn để tìm phương án tối ưu tổ chức giao thông tại hai điểm lên xuống ở Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng; nghiên cứu giải pháp phân luồng từ xa.

Ông Thường tính toán, khi thông xe Vành đai 2 trên cao, phương tiện cả từ đường trên cao và dưới thấp cùng đổ xuống Ngã Tư Sở để đi ra đường Láng. Trong khi đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều; lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. 

Đáng chú ý, từ ngày 9.1, Sở GTVT Hà Nội đã thí điểm tổ chức lại giao thông tại nút Ngã Tư Sở. Theo đó, các phương tiện từ đường Láng đi Tây Sơn sẽ phải đi thẳng qua ngã tư và quay đầu trên đường Trường Chinh (cách nút giao 760m), sau đó đi thẳng về đường Láng hoặc rẽ phải để đi Tây Sơn.

Sau hơn 4 năm thi công, dự án xây dựng đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy sắp được đưa vào sử dụng. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Dự án đường Vành đai 2 nối liền 3 quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. 
Dự án đường Vành đai 2 trên cao bao gồm 5km tuyến đường bộ trên cao và 3km phần mở rộng dưới thấp. Ảnh: Vĩnh Hoàng 
Hệ thống biển báo giao thông đã được công nhân lắp đặt xong. Ảnh: Vĩnh Hoàng 
Hệ thống đèn chiếu sáng đã được công nhân thi công lắp đặt. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn