MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đón xe buýt tại trạm xe buýt Hàm Nghi (quận 1). Ảnh: Chân Phúc

Cần hơn 393.000 tỉ đồng phát triển vận tải công cộng TPHCM trong 10 năm tới

MINH QUÂN LDO | 07/07/2020 09:54

TPHCM cần hơn 393.000 tỉ đồng để tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân trong 10 năm tới.

Sở GTVT TPHCM vừa trình UBND TPHCM dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn TPHCM.

Mục tiêu của đề án là tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đạt 15% nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030.

Sở GTVT TPHCM đưa ra 17 nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng, gồm: phát triển mạng lưới xe buýt đến năm 2030; tập trung nguồn lực mạnh mẽ đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đưa vào khai thác 3 tuyến metro số 1, 2, 5 và 1 tuyến xe buýt nhanh BRT; đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành; phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; bố trí làn đường riêng cho xe buýt,…

Các giải pháp kiểm soát xe cá nhân: thu phí ô tô vào trung tâm; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cộ, thí điểm kiểm tra khí thải với xe máy; phân vùng hoạt động xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực giao thông,…

Các nhóm giải pháp hỗ trợ: quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; tổ chức thêm không gian đi bộ ở trung tâm thành phố; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca...

Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 2021-2025 mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt, đảm bảo kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, các phương thức vận tải khác.

Các giải pháp về phát triển vận tải hành khách công cộng sẽ tiếp tục được thực hiện, cụ thể: ưu tiên phát triển xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại khu vực trung tâm.

Giai đoạn 2026-2030, ưu tiên phát triển, đầu tư các phương thức vận tại khối lượng lớn. Các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai đồng bộ, tiến tới tổ chức lại lưu thông xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực.

Trong giai đoạn 2021-2030, tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 393.792 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 47.644 tỉ đồng, còn lại là ngồn vốn từ xã hội hóa hoặc vốn ODA.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn