MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Cần Giờ trong tương lai sẽ là cầu dây văng lớn nhất TPHCM. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Cầu dây văng lớn nhất TPHCM nối 2 huyện phía Nam sẽ khởi công năm 2025

MINH QUÂN LDO | 03/12/2023 20:11

TPHCM - Với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng, cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè dự kiến được khởi công năm 2025, hoàn thành sau 3 năm. Khi đó, cầu Cần Giờ là cầu dây văng có quy mô lớn nhất TPHCM với tổng chiều dài 7,3 km, tĩnh không thông thuyền cao 55 m.

Cầu lớn nhất TPHCM

Ngày 3.12, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, dự án cầu Cần Giờ sẽ được UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 13, HĐND Thành phố khoá X (từ ngày 6 - 9.12).

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, điểm đầu cầu Cần Giờ tại đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m về phía Bắc. Sau đó cầu cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi sang huyện Cần Giờ, cầu sẽ nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía Nam.

Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài lên tới 7,3 km. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3 km (trong đó cầu Cần Giờ dài gần 3 km, phần đường dẫn dài hơn 4,3 km), quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60 km/h.

Cầu được xây dựng theo dạng dây văng với độ dài nhịp chính của cầu giữa lòng sông là 350 m, đặt trên hai trụ cầu cao gần 100 m. Cầu Cần Giờ sẽ có tĩnh không thông thuyền 55 m (tương đương cầu Bình Khánh của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) - cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.

Cầu Cần Giờ có nhịp chính dài 350 m, đặt trên hai trụ cầu cao gần 100 m. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Nếu được HĐND TPHCM thông qua, cầu Cần Giờ sẽ khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028. Khi đó, cầu Cần Giờ sẽ soán ngôi cầu Phú Mỹ (nối TP Thủ Đức và Quận 7) hay cầu Bình Khánh, trở thành cầu dây văng có quy mô lớn nhất TPHCM.

Trước đó, cầu Phú Mỹ được đầu tư 2.077 tỉ đồng, khởi công tháng 2.2005, thông xe năm 2009, là cầu dây văng có quy mô lớn nhất TPHCM với chiều dài hơn 2 km, tĩnh không thông thuyền cao 45 m.

Còn cầu Bình Khánh (trên cao tốc Bến Lức - Long Thành) dài 2,76 km, tĩnh không cao 55 m, nhịp chính dài 375 m bắc qua sông Soài Rạp (nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ) được khởi công tháng 8.2015 với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng. Cầu này dự kiến hoàn thành năm 2025 cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cầu Cần Giờ khi hoàn thành năm 2028 sẽ trở thành cầu lớn nhất TPHCM. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Theo Sở GTVT TPHCM, cầu Cần Giờ được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn hơn 11.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách góp gần 50%, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.

Người dân sắp thoát cảnh qua sông lụy phà

Hiện, kết nối giao thông giữa huyện Cần Giờ và nội đô TPHCM chủ yếu qua phà Bình Khánh. Tuy nhiên, nhu cầu lưu thông qua phà Bình Khánh ngày càng tăng cao, đặc biệt là các ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ, tết đã gây nên tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, ảnh hưởng đến người dân, hoạt động du lịch và hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ.

Cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh. Ảnh: Hữu Chánh

Theo Sở GTVT TPHCM, trong tương lai, huyện Cần Giờ có dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha, dân số quy hoạch là 228.506 người và khách du lịch dự kiến khoảng 8,89 triệu lượt khách/năm. Với quy mô như vậy, nhu cầu giao thông kết nối giữa khu đô thị này nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung với trung tâm TPHCM là rất lớn.

Ngoài ra, TPHCM dự kiến xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), cạnh cửa sông Cái Mép - Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông.

Dự án cảng Cần Giờ dự kiến có tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 6,8 km và bến sà lan dài 1,9 km. Tổng diện tích xây dựng khoảng 571 ha, cảng có khả năng khai thác tàu container 24.000 TEU, tàu trung chuyển 65.000 tấn, sà lan 8.000 tấn. Việc đầu tư cảng theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có thể khai thác từ năm 2027 và hoàn thiện vào năm 2045 với 7 bến chính.

Do đó, Sở GTVT TPHCM cho rằng việc xây dựng cầu Cần Giờ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố cũng như các khu vực lân cận, phục vụ đời sống nhân dân, phát triển du lịch, phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM là cần thiết và cấp bách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn