MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội đang thiếu bến, bãi đỗ xe cho người dân. Ảnh: Phạm Đông

Chấn chỉnh lại vỉa hè: Khó thành nếu không bổ sung điểm trông giữ xe

PHẠM ĐÔNG LDO | 29/03/2023 12:52

Hà Nội đang từng bước giành lại vỉa hè phong quang cho người đi bộ. Tuy nhiên, do thiếu điểm trông giữ phương tiện, diện tích vỉa hè không đồng nhất, chỗ rộng chỗ hẹp đã khiến việc sắp xếp phương tiện vô tình trở thành bài toán khó trong công tác đảm bảo trật tự đô thị.

Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm là chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội. Chuyện như dẹp vỉa hè tưởng như rất nhỏ nhưng suốt bao năm Hà Nội vẫn loay hoay không làm được, dù lãnh đạo thành phố luôn rất quyết tâm.

Trong chiến dịch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội lần này, nhiều tuyến đường đã trả lại lối đi thông thoáng, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng ngang nhiên lấn chiếm trên các con phố bằng nhiều cách khác nhau.

Trên khắp các tuyến phố Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh tượng ôtô đỗ hàng dài, chiếm hết lòng đường, che khuất các hộ dân cư hoặc các công trình công cộng hai bên. Không chỉ gây khó khăn cho các hộ kinh doanh, việc các chủ xe dừng, đỗ nhiều giờ liền còn cản trở giao thông đi lại của người dân trong khu vực. 

Ôtô dừng đỗ trên vỉa hè vì thiếu nơi đỗ xe. Ảnh: Phạm Đông

Ông Vũ Mai Khanh - Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang, quận Đống Đa cho rằng, sắp xếp phương tiện là điều cần thiết để hè phố ngăn nắp, gọn gàng… phục vụ tốt nhất nhu cầu đi bộ của người dân. 

Theo ông Khanh, bên cạnh những khu nhà cao tầng, căn hộ chung cư cao cấp, Hà Nội vẫn còn các khu tập thể cũ - nơi đó, hạ tầng giao thông yếu kém, nên cần có bài toán riêng cho những khu vực này để vừa đảm bảo cuộc sống người dân cũng như mục tiêu “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.

Trước mắt, ông Khanh cho rằng, đối với những tuyến vỉa hè hẹp, không đáp ứng được các quy định trong việc sắp xếp phương tiện nhưng lòng đường rộng, cần xem xét cho phép sử dụng một phần lòng đường để bố trí, sắp xếp cho việc đỗ xe tĩnh cho cho người dân sử dụng.

Còn ông Nguyễn Việt Trung - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng, Cầu Giấy cho rằng, cần bổ sung các điểm trông giữ phương tiện. Phường kiến nghị các đơn vị có liên quan đẩy nhanh xây dựng các bãi xe ngầm, bãi xe cao tầng; Tổ chức sắp xếp, cấp phép trông giữ phương tiện trên các tuyến phố có mặt đường lớn.

Cùng với đó, đối với những tuyến đường có vỉa hè lớn từ 5-7m, kết cấu đảm bảo chịu lực, đủ điều kiện bố trí lối đi dành cho người đi bộ tối thiểu 1,5m thì phần còn lại cho phép tổ chức sắp xếp xe máy, ôtô, phương tiện giao thông hoặc Nhà nước cho phép cho thuê một phần vỉa hè.

Với lĩnh vực giao thông tĩnh, trong đó có bến, bãi đỗ xe, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, khả năng đáp ứng còn rất hạn chế, rất thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Về lý do tồn tại thực trạng này, ông Quyền cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là cơ chế đầu tư, xây dựng bến, bãi đỗ xe chưa rõ ràng, chưa thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư và toàn xã hội.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Quyền cho rằng, cần phải có cơ chế đầu tư rõ ràng cho bãi đỗ xe, bến xe. Các cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu phải rà soát lại, thậm chí rà soát cho từng khu vực, từng quận để đưa ra các cơ chế xây dựng, quản lý cụ thể để thu hút nhà đầu tư. Trong trường hợp cơ chế rõ ràng nhưng vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư thì thành phố phải làm.

Để khắc phục tình trạng thiếu chỗ đỗ xe khu vực nội đô, tháng 4.2022, TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉ lệ 1/10.000 và Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm, từ 3 - 4 tầng hầm, tối đa đến 5 tầng hầm và bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ ở 4 quận là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ. Đến năm 2025, thành phố phấn đấu xây dựng 204 dự án bãi đỗ xe công cộng, tập trung tại khu vực nội đô với tổng mức đầu tư khoảng 29.872 tỉ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, việc triển khai đang “vướng” nhiều thứ về mặt hành chính, pháp lý. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn