MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường đèo Lò Xo nhỏ hẹp, đèo dốc nguy hiểm. Ảnh: Thanh Tuấn

Chờ kinh phí sửa chữa đèo Lò Xo

THANH TUẤN LDO | 05/03/2024 14:49

Ngày 5.3, ông Trần Thái Hòa – Trưởng Văn phòng quản lý đường bộ III.4 (Khu quản lý đường bộ III) cho biết, đơn vị phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Kon Tum đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa đèo Lò Xo nối Quảng Nam và Kon Tum.

Thời gian qua, đèo Lò Xo bị hư hỏng nặng, đặc biệt là đoạn qua xã Đăk Man, huyện Đăk Glie, tỉnh Kon Tum. Theo ông Trần Thái Hòa, nền đường bê tông vỡ toác kéo dài, gói duy tu sửa chữa đèo Lò Xo hiện kinh phí nhỏ giọt, hỏng chỗ nào thì nhân công tiến hành vá víu chỗ đó.

Trong khi nền đường bê tông bị hỏng kéo dài nhiều cây số dọc theo cung đường đèo uốn lượn, hiểm trở. Việc trám bê tông, nhựa đường chỉ phù hợp với phương án tạm bợ, khi mưa lớn, phương tiện vận tải nặng qua lại nhiều sẽ khiến mặt đường bong tróc, hư hỏng, sụt lún nặng thêm.

“Cách an toàn nhất là cào bóc lớp bê tông trên nền đường và tiến hành láng nhựa mới thay thế, đảm bảo êm thuận, lâu dài cho người và phương tiện lưu thông qua đèo”, ông Hòa nói.

Mặt đường bê tông nhiều đoạn hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Ảnh: Thanh Tuấn

Thời gian qua, lưu lượng xe khách, xe tải qua đèo Lò Xo để về các tỉnh miền Trung cũng như lên Tây Nguyên gia tăng, nguyên nhân là do việc thi công nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua đèo An Khê, giáp với tỉnh Bình Định thường ách tắc. Đơn vị thi công đổ đất đắp nền đường gặp khi thời tiết mưa lớn khiến bùn đất nhão nhoẹt, phương tiện di chuyển theo Quốc lộ 19 đoạn qua Bình Định gặp khó khăn.

Đường đèo Lò Xo nguy hiểm, kéo dài qua các sườn núi gần 40 cây số, nhiều góc khuất, khúc cua tay áo, độ dốc lớn. Mặt đường xấu gia tăng độ nguy hiểm, dễ gây nguy cơ tai nạn cho cánh tài xế, đặc biệt là nổ lốp, mất thắng, xe bị rơi xuống vực. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên cung đường đèo này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn