MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tuyến đường ở nội đô Hà Nội hỗn loạn trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Ảnh: Phạm Đông

Chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm

PHẠM ĐÔNG LDO | 15/01/2023 17:03
Những ngày cận Tết, khi lưu thông trên đường phố ở Hà Nội, mọi hướng đều tắc nghẽn, kẹt cứng mọi khung giờ trong ngày. Tình trạng này đòi hỏi việc chống ùn tắc giao thông bằng kết hợp các giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Ùn tắc mọi lúc, mọi nơi những ngày này khiến người dân tham gia giao thông tại Hà Nội cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Chiều 15.1, tại hàng loạt trục đường hướng tâm, tuyến phố trung tâm hay các ngả đường vành đai đều ùn tắc cục bộ, thậm chí có đoạn tắc nghẽn kéo dài, người dân và phương tiện đứng chôn chân.

Các trục đường chính vào trung tâm như Tây Sơn, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Xuân Thủy, Cầu Giấy... chịu áp lực giao thông lớn. Các phương tiện chen chúc nhau, nhích từng chút một trên đường, khiến việc di chuyển khó khăn hơn.

Phố Tây Sơn những ngày này luôn trong cảnh ùn ùn xe cộ. Ảnh: Phạm Đông

"Ùn tắc giao thông xảy ra bất kể giờ giấc, thậm chí giữa trưa như hôm nay là điều bất thường nhưng với người dân sống lâu ở Hà Nội thì đã quen và coi đó trở thành điều bình thường.

Đặc biệt, vào ngày cuối tuần và cận Tết, người dân khắp nơi đổ ra đường đi mua sắm hoặc đi thăm thân, biếu quà...", bà Nguyễn Thị Thủy (60 tuổi), người dân sống trên phố Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy chia sẻ.

Cảnh ùn tắc tại đường Âu Cơ diễn ra thường xuyên trong ngày. Ảnh: Phạm Đông
Ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp. Ảnh: Phạm Đông

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, để giảm ùn tắc, thành phố đang triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm. Giải pháp quan trọng đầu tiên là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch.

Trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; các tuyến đường có tính kết nối như Tam Trinh; Lĩnh Nam, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.

Với các điểm ùn tắc giao thông, ông Dương Đức Tuấn cho biết Hà Nội đã tổ chức rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí các lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc.

Hình ảnh trên phố Đồng Xuân. Ảnh: Phạm Đông

Đồng thời, thành phố cũng thường xuyên rà soát các bất cập của tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý, hạn chế xung đột.

Việc rà soát bao gồm: Điều chỉnh chu kỳ đèn, điều chỉnh hạ tầng nút giao, điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút, xén mở rộng tối đa mặt đường để tăng khả năng thông hành cho các phương tiện; xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục, giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Tuấn, năm 2023, thành phố đề ra 3 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, vận tải hành khách công cộng bảo đảm chất lượng phục vụ hiệu quả; phấn đấu phục vụ 21,5 - 23% nhu cầu đi lại của người dân.

Tiếp đó, phấn đấu tiếp tục kiềm chế, giảm từ 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2022; phấn đấu không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2023.

Tập trung giải quyết từ 8 đến 10 điểm ùn tắc giao thông; hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới và các "điểm đen" về tai nạn giao thông.

Đường phố Hà Nội lúc nào cũng tắc trong những ngày cuối năm. Ảnh: Phạm Đông

Đáng chú ý, mới đây Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thành phố cho phép sở mua phần mềm mô phỏng hoạt động giao thông, phần mềm đo đếm lưu lượng phương tiện.

“Việc áp dụng phần mềm mô phỏng hệ thống giao thông sẽ cho thấy trực quan các dòng giao thông hiện trạng cũng như các phương án dự kiến tổ chức giao thông. Việc này nhằm có những đánh giá các giải pháp cụ thể để chọn phương án tối ưu và đưa ra nhiều thông số giúp đánh giá tác động của phương án tổ chức giao thông trước và sau khi thực hiện”, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn