MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Sóc Trăng - Trà Vinh. Ảnh: Ban quản lý dự án 85

Có cầu Đại Ngãi đường xa cũng hóa gần

PHƯƠNG ANH LDO | 21/09/2023 06:00

Sau nhiều năm chờ đợi, người dân tỉnh Sóc Trăng rất vui mừng khi Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi (gọi tắt là Dự án) sẽ khởi công vào tháng 10.2023. Người dân kỳ vọng, Dự án không chỉ giúp kết nối giao thông mà còn vực dậy những tiềm năng, lợi thế sớm vươn lên phát triển thành tỉnh khá trong khu vực.

Đồng thuận bàn giao đất xây cầu

Hơn mấy chục năm chịu cảnh qua "sông phải lụy đò", ông Huỳnh Văn Tuấn và bà con huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) luôn mong mỏi có một chiếc cầu nối với đất liền. Khi thông tin Dự án cầu Đại Ngãi sắp khởi công, ông Tuấn vô cùng phấn khởi bởi ước mơ đã sắp thành sự thật.

Ông Tuấn chia sẻ: Người dân địa phương mong cầu Đại Ngãi mấy chục năm nay vì giúp kết nối giao thông với các địa phương lân cận, hàng hóa lưu thông dễ dàng, buôn bán tốt hơn.

“Được chính quyền địa phương thông báo bàn giao mặt bằng 4.200m2 để làm đường dẫn lên cầu Đại Ngãi, tôi vui vẻ đồng thuận. Giờ chỉ mong Dự án sớm hoàn thành để việc đi lại của người dân thuận tiện, kinh tế phát triển hơn”, ông Tuấn cho biết.

Lâu nay, Cù Lao Dung với 7 xã đảo nằm tách biệt với đất mẹ Sóc Trăng. Người dân nơi đây muốn qua sông phải lụy đò, đi sớm hay về khuya cũng khó khăn. Khi được chính quyền họp dân thông báo chủ trương xây dựng cầu Đại Ngãi, bà con đều đồng tình hưởng ứng.

Những chuyến phà qua lại 2 bờ Long Phú (Sóc Trăng) - Cù Lao Dung sẽ hoàn thành sứ mệnh đưa rước khách khi có cầu Đại Ngãi. Ảnh: Phương Anh

Ông Huỳnh Thanh Diệp (An Thạnh Đông, Cù Lao Dung, Sóc Trăng) chia sẻ: "Chính quyền địa phương thông báo giải phóng mặt bằng 700m2 đất của gia đình, tôi vui vẻ đồng ý ngay. Bởi khi cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian cho người dân từ Cù Lao Dung về thành phố Sóc Trăng hay tỉnh Trà Vinh, không phải chờ phà, qua phà nữa”.

Tại huyện Cù Lao Dung, Dự án cầu Đại Ngãi đi qua địa bàn 2 xã An Thạnh Tây và An Thạnh Đông. Có chiều dài toàn tuyến 5,1 km. Tổng diện tích đất thu hồi là 25,5 ha, với 93 hộ dân bị ảnh hưởng.

Ông Huỳnh Thanh An, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: Dự án là công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện trong tương lai cũng như đáp ứng là sự mong mỏi bấy lâu của người dân nên khi triển khai nhận được sự đồng thuận rất cao.

“Chỉ sau 19 ngày (từ 1.9 - 19.9.2023) “vượt nắng, thắng mưa” địa phương đã chi trả tiền cho các hộ dân bị ảnh hưởng, hiện 100% hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án”, ông An thông tin thêm.

Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Sóc Trăng, tổng chiều dài tuyến cầu Đại Ngãi qua địa phận tỉnh Sóc Trăng (ngang huyện Cù Lao Dung và Long Phú) là 5,3 km, có 118 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích thu hồi là 206.251,6 m2. Đến nay, 100% hộ bị ảnh hưởng đều đồng tình giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Đường xa sẽ hóa gần

Dự án cầu Đại Ngãi nằm trên Quốc lộ 60 nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, có điểm đầu giao Quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa (Tiểu Cần, Trà Vinh) và điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức (Long Phú, Sóc Trăng).

Khi dự án hoàn thành, tuyến Quốc lộ 60 sẽ được nối thông hoàn toàn và tạo thành tuyến trục dọc hành lang phía Đông cho khu vực ĐBSCL, rút ngắn được khoảng 80km từ TP.HCM đến các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng): “Cầu Đại Ngãi sắp khởi công thu hút sự quan tâm của người dân, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Giao thông kết nối, vận chuyển hàng hóa dễ hơn. Các doanh nghiệp sẽ cởi bỏ tâm lý ngán ngại đường xa cách trở và chi phí vận chuyển tăng cao để mạnh dạn đầu tư vào các tỉnh miền Tây”.

Tại buổi lễ bàn giao mặt bằng xây dựng cầu Đại Ngãi vào ngày 19.9, ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Khi cầu Đại Ngãi đưa vào sử dụng, sẽ giảm áp lực giao thông ngày càng lớn trên Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao khi các khu công nghiệp Trần Đề, Đại Ngãi, Mỹ Thanh, Vĩnh Châu, đặc biệt là khi cảng biển nước sâu Trần Đề đi vào hoạt động.

“Khi có cầu Đại Ngãi, giao thông được kết nối sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư vào huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng; góp phần tiêu thụ hàng hóa và giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người dân", ông Nam cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn