MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con đi xe máy 300 km về quê đón Tết, cha mẹ ở nhà đứng ngồi không yên

HỮU CHÁNH LDO | 05/02/2024 17:25

Các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng khi con cái chọn đi xe máy hàng trăm km về quê đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ngán ngẩm vé xe khách dịp Tết rất cao, lại hay nhồi nhét khách, Lê Quỳnh Phương (21 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) quyết định "phượt" xe máy hơn 200 km từ Hà Nội về huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá.

Chuyến đi kéo dài gần 7 giờ đồng hồ, Phương xuất phát từ quận Cầu Giấy, Hà Nội từ lúc 10h30 sáng 3.2, đến chiều tối mới về đến nhà.

Để đảm bảo an toàn, cô di chuyển chậm, nhất là qua khu vực Thường Tín (Hà Nội) thường xảy ra tai nạn, men theo Quốc lộ 1A.

"Tôi lạc đường, phải quay ngược thêm 20 km, nhìn theo phương tiện có biển số 36 để bám theo, sợ đi nhầm sang tỉnh khác" - Phương nhớ lại và cho biết việc chạy xe máy suốt cung đường dài "mệt bơ phờ" chứ không lung linh, sắc màu như nhiều bạn "phượt" chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ đồ đạc lỉnh kỉnh, điều khiển xe máy về quê đón Tết. Ảnh: Hữu Chánh

Đặt chân về đến nhà, Phương thở phào. Tuy nhiên, lỡ để bố mẹ biết kế hoạch, khi về đến nhà Phương mới hay cả ngày cô chạy xe trên đường, bố mẹ lo lắng đến mức... đứng ngồi không yên.

"Bố mẹ từ sáng đến chiều đi ra đi vào thấp thỏm, cầm điện thoại mà không dám gọi điện hỏi han vì sợ con gái mất tập trung khi lái xe" - nữ sinh viên nói.

Chỉ khi về tới nhà, bố mẹ Phương mới thở phào nhẹ nhõm, song cũng trách móc con gái quá liều lĩnh khi đi xe máy vượt hơn trăm km để về quê.

Chị Quỳnh trong một lần đi xe máy từ Hà Nội về Nghệ An đón Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ba cái Tết liên tiếp, chị Trần Quỳnh (29 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều đi xe máy từ Hà Nội về Nghệ An dù bị bố mẹ phản đối.

Chị Quỳnh cho biết, dịp Tết, giá vé xe tăng chóng mặt, chưa kể chi phí mang xe máy về bằng vé một người, tốn từ 600.000 đến 700.000 đồng.

"Đi xe máy đường xa đúng là mệt và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng giúp tôi tiết kiệm chi phí, chủ động thời gian" - chị Quỳnh nói.

Hành trình vượt hơn 300 km từ Hà Nội về quê của chị Quỳnh không vội vàng, không bị "ép" về mặt thời gian. Chị túc tắc nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường nên kéo dài gần 10 giờ đồng hồ.

"Lúc nào dừng nghỉ, tôi lại gọi điện thoại về cho bố mẹ yên tâm" - chị nói và cho hay, mỗi lần về quê ăn Tết bằng xe máy đều là một trải nghiệm đáng nhớ.

Về quê bằng xe máy đón Tết được nhiều gia đình lựa chọn. Ảnh: Hữu Chánh

Với sự linh động và tiết kiệm của xe máy, rất nhiều người quyết định chọn phương tiện này để "khăn gói" về quê ăn Tết. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có ôtô riêng hoặc dám rút hầu bao thuê một chiếc taxi, xe tự lái để về quê ăn Tết. Do đó, "rồng rắn" nhau về quê bằng xe máy được cho là phương án hợp lý mà nhiều gia đình, bạn trẻ lựa chọn.

Anh Nguyễn Duy Thắng (28 tuổi, Nghệ An) - người có nhiều năm chạy xe máy từ Hà Nội về Nghệ An - cho rằng, việc đi xe máy về quê ăn Tết tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro mất an toàn.

Theo anh Thắng, dù tay lái cứng đến mấy nhưng trên đường có thể có nhiều tình huống phát sinh khó lường trước.

"Nhiều vấn đề có thể gặp phải trong quá trình di chuyển như đuối sức, giao thông vào dịp Tết đông đúc, ùn tắc, thời tiết thất thường, chở hành lý, quà cáp lỉnh kỉnh..." - anh Thắng nói.

Để đảm bảo an toàn trên suốt quãng đường đi, các gia đình, bạn trẻ chọn xe máy làm phương tiện về quê cần lưu ý việc xăng xe chạy trên đường; đảm bảo xe máy đang hoạt động tốt, an toàn; hành lý gọn nhẹ; trang phục phù hợp; chia quãng đường nghỉ ngơi hợp lý; tuân thủ luật giao thông; chọn thời gian xuất phát hợp lý...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn