MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội áp dụng biện pháp mạnh hơn để xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Phạm Đông

Công an Hà Nội thêm giải pháp mạnh, tài xế ma men khó né chốt

PHẠM ĐÔNG LDO | 01/03/2023 11:29

Hà Nội - Công an thành phố đã và đang tăng cường kiểm tra diện rộng, kiên quyết xử phạt nghiêm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Lực lượng CSGT đã sử dụng nhiều biện pháp mới, linh hoạt nhằm xử lý triệt để tài xế "ma men".

Ngày 1.3, Công an TP Hà Nội cho biết, trong ngày hôm qua (28.2), lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý 470 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 154 phương tiện, 170 bộ giấy tờ, tước 82 giấy phép lái xe.

Trong đó, tổ công tác 141 phát hiện, xử lý 61 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 61 phương tiện. Trước đó một ngày (27.2) tổ công tác 141 phát hiện, xử lý 46 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 46 phương tiện.

Có thể thấy, sau khi mức xử phạt đối với vi phạm nồng độ cồn được tăng rất nặng, hiện tượng “ma men” sau tay lái đã có một đoạn thời gian giảm bớt.

Việc các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao tài xế điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn khiến người dân yên tâm hơn khi di chuyển trên đường.

Người dân ủng hộ mạnh mẽ việc xử phạt nghiêm “ma men” lái xe. Ảnh: Phạm Đông

Tại Hà Nội, thời gian gần đây, nhiều biện pháp quyết liệt đã được áp dụng chặt chẽ. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trao đổi với Lao Động, Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, tất cả những lỗi vi phạm quy định về nồng độ cồn dù ở mức cao hay thấp đều bị tạm giữ phương tiện và xử phạt nghiêm.

Đặc biệt, thông báo hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.

Để ngăn chặn tài xế "ma men", thay vì lập chốt tại một vị trí cố định như trước, các tổ CSGT đã sử dụng mô tô đặc chủng tuần tra trên các tuyến phố. Khi phát hiện tài xế có biểu hiện đã sử dụng rượu, bia mà vẫn điều khiển xe, CSGT sẽ kiểm tra nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, cảnh sát sẽ thường xuyên thay đổi địa điểm cắm chốt để tránh tài xế né tuyến đường. Còn việc kiểm tra lưu động khiến các tài xế, chủ nhà hàng không thể theo dõi, báo chốt để tránh né lực lượng chức năng.

Ngoài ra, với những trường hợp ngồi trong xe hít phải hơi rượu trong xe, thổi có nồng độ cồn ở mức thấp hoặc uống nước hoa quả lên men.

Những trường hợp này được đề nghị xuống xe cho thổi thêm lần khác và dùng một máy đo khác để kiểm tra nhưng không có cồn. Các trường hợp này sẽ được ghi vào sổ nhật ký tuần tra để khi cần thiết lực lượng chức năng có thể xác minh lại, khách quan.

"Lực lượng chức năng sẽ duy trì áp lực thật lâu, không lơ là buông lỏng, kể cả khi văn hóa giao thông đã được định hình”, Thiếu tá Chiến nhấn mạnh.

Chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tối 28.2 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Đông

Còn Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 nêu rõ, người dân xác định vi phạm nồng độ cồn là bị giữ xe, tước bằng, phạt tiền rất nặng, không thể tránh né, xin xỏ được. Do đó, các tài xế không chủ quan, không vì vui chén rượu, cốc bia mà tái phạm.

Bên cạnh đó, việc tăng thêm mật độ các chốt khiến người vi phạm lọt chốt này vẫn khó lọt chốt khác. Tổ công tác cũng thực hiện nghiêm quy định không nghe điện thoại trong quá trình kiểm tra, xử lý nồng độ cồn.

Việc trực tiếp kiểm tra xử lý được thực hiện tại khu vực có nhiều quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn… Biên bản xử lý vi phạm được lập và thông báo, bàn giao cho CSGT địa phương xử lý theo quy định.

"Chúng tôi cũng rất mong việc xử phạt kiên quyết, minh bạch như vừa qua sẽ trở thành nề nếp để tạo văn hóa giao thông cho tất cả mọi người”, Trung tá Thắng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn