MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân hối hả hoàn thiện cầu Thăng Long cho ngày thông xe trở lại

Đặng Tiến - Phạm Đông LDO | 04/01/2021 17:24

Trước khi cầu Thăng Long chính thức được thông xe vào 7h ngày 7.1, các công nhân đang hối hả hoàn thiện các hạng mục còn lại để đảm bảo tiến độ công trình.

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 4.1, các công nhân sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) đang gấp rút làm công đoạn sơn, kẻ vạch đường và lan can thành cầu sau khi đã trải thảm nhựa mặt đường.

Đến nay, cầu Thăng Long nay cơ bản hoàn thiện những công việc cuối cùng. Các tốp công nhân đang thực hiện việc làm sạch lề bộ hành (làn ngoài cùng) để trải nhựa mặt đường. Với làn đường chính bên ngoài, một số công nhân cũng đang làm sạch mặt đường.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ chính thức được thông xe vào 7h ngày 7.1. Ảnh: Tiến - Đông

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã trực tiếp kiểm tra công tác thi công, chất lượng mặt cầu trước ngày thông xe tới đây.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và chuyên gia xử lý triệt để và thực hiện nghiêm các yêu cầu về kỹ thuật, không để xảy ra bất kỳ một sai sót nào dù nhỏ nhất.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (ảnh trên - ở giữa) kiểm tra các bước công việc cuối cùng tại dự án sửa chữa chữa mặt cầu Thăng Long.

Sau khi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết chất lượng bê tông rất tốt, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu. Với công trình này kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất, Thứ trưởng Thọ thông tin tưởng riêng với lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5 đến 10 năm mới phải làm lại.

Mặt cầu Thăng Long được khoan để kiểm tra.

Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5.1985. Tuy nhiên, sau quá trình khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.

Do đó, Tổng cục Đường bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng để nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân hư hỏng và đưa ra giải pháp sửa chữa, trong đó có công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng UHPC là giải pháp kinh điển trong sửa chữa cầu trên thế giới.

Các công nhân làm sach lớp mặt cầu Thăng Long.
Công nhân làm sạch phần lề bộ hành trước khi trải nhựa.

Ngày 16.8.2020, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư gần 270 tỉ đồng đồng thời cơ quan chức năng cũng tiến hành “phong tỏa” toàn bộ cầu và có hướng dẫn phân luồng phương tiện lưu thông qua các tuyến đường khác.

Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7.1.2021 các phương tiện được phép lưu thông với tốc độ lưu thông tối đa 80km/giờ.

Cầu Thăng Long nay cơ bản hoàn thiện những công việc cuối cùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, mặt cầu Thăng Long trước kia là bản mặt tấm thép dày 14 ly được thảm bê tông nhựa phía trên bề mặt và phương tiện lưu thông sẽ làm mặt cầu rung và dao động.

Khi sửa chữa, mặt cầu được gia cố bằng lớp bê tông siêu tính năng kết nối thêm lớp bê tông nhựa polymer phía trên dày 4cm. Chưa kể, giữa 2 lớp nhựa này được gia cường thêm với 1,4 triệu đinh neo và thép bản mặt cầu nên cầu Thăng Long sẽ tồn tại vĩnh cửu và sử dụng hàng trăm năm. Hiện nay, mặt cầu có độ cứng gấp 3 lần so với trước đây.

Những mét đường kỹ thuật hai bên thành cầu đang được nhà thầu khẩn trương thi công.

Với công trình này kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất, người đứng đầu ngành giao thông tin tưởng riêng với lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5 đến 10 năm mới phải làm lại. Tuy nhiên, cần sớm có hệ thống kiểm soát tải trọng xe tại hai đầu cầu để đảm bảo bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.

Khối lượng công việc tu sửa mặt cầu cơ bản đã xong.
Phần sơn đã cơ bản được hoàn thiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn