MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an Đà Nẵng xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: CSGT

Cử tri Đà Nẵng lo lắng tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn

THUỲ TRANG LDO | 30/05/2023 18:10

Tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn vẫn diễn ra trên địa bàn TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các điểm đen về tai nạn giao thông luôn rình rập nguy hiểm khiến người dân lo sợ mỗi khi đi qua. Trong khi các cơ quan chức năng đã nắm mọi thông tin nhưng việc triển khai xử lý vẫn còn chậm.

Học sinh gửi xe máy, điểm đen giao thông mãi chưa xử lý

Tại chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri Đà Nẵng" được tổ chức ngày 30.5, ông Lê Văn Tú, trú tổ 17, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê phản ánh, hiện nay tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra.

“Rất nhiều học sinh hiện nay đi học bằng xe máy, không gửi được trong trường thì các em gửi ở nhà dân bên ngoài hoặc trong kiệt hẻm. Lúc tan học thì lấy xe đi hàng ngang, sử dụng điện thoại, có em không đội mũ bảo hiểm gây nguy cơ mất an toàn giao thông” – ông Tú đặt vấn đề.

 Nhiều trường hợp lái xe như diễn xiếc trên đường bị Công an Đà Nẵng xử phạt. Ảnh: CSGT

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân - Trưởng Ban Văn hoá Xã hội, Hội đồng nhân dân Đà Nẵng cho biết, qua kiểm tra xử lý thì có trường phát hiện từ 200 – 300 học sinh sử dụng xe máy nhưng công an ra quân kiểm tra xong thì đâu lại vào đấy.

Cùng liên quan đến nội dung an toàn giao thông, bà Trình Thị Kim Xuân, trú phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu chỉ rõ một điểm đen về giao thông trên địa bàn là đoạn từ trường Đại học Bách Khoa qua cổng Nhà thờ giáo xứ và qua cổng của 2 trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên và cấp 2 Nguyễn Lương Bằng rồi đến ngã tư chợ.

Có ý kiến về nội dung này, ông Lê văn Dũng – Phó Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố cũng cho biết, tình trạng mất an toàn giao thông tại đoạn từ trường Đại học Bách khoa đến đường Âu Cơ đã xảy ra từ rất lâu. Ban Đô thị đã nhiều lần phối hợp với các ngành chức năng giám sát và có ý kiến.

“Tháng 5 vừa rồi, UBND thành phố đã có chủ trương thống nhất cải tạo giao thông tại khu vực trên thì đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai. Ngoài ra, đoạn đường Hồ Tùng Mậu đến Ngô Sỹ Liên thuộc quận Liên Chiểu đã thi công thảm nhựa từ tháng 8.2022 nhưng lại chưa được đưa vào lưu thông do chưa lắp đặt đèn tín hiệu. UBND thành phố cũng cần chỉ đạo sớm lưu thông tuyến đường này để giảm áp lực lưu thông cho khu vực xung quanh, thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa của công trình” – ông Dũng đề nghị.

Phụ huynh cũng phải tăng trách nhiệm

Trao đổi với cử tri tại hội nghị, Công an TP Đà Nẵng cho biết thời gian qua đơn vị đã xử lý 500 trường hợp vi phạm quy định an toàn giao thông, trong đó có hành vi không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe, chạy xe hàng ngang.

Những trường hợp học sinh vi phạm, công an thành phố gửi thông báo về nhà trường và gia đình để có hình thức xử lý phù hợp như hạ hành kiểm, kiểm điểm đã tạo hiệu quả tích cực vừa giúp học sinh nâng cao ý thức, vừa giúp phụ huynh cân nhắc, cẩn thận hơn trong việc giao xe máy cho con em mình sử dụng.

 Các điểm đen tai nạn giao thông khiến người dân lo sợ mỗi khi đi qua. Ảnh: CSGT

Về các điểm đen tai nạn giao thông, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, đầu năm 2023, Sở cùng nhiều đơn vị đã rà soát phát hiện 29 vị trí cần đầu tư, cải tạo sửa chữa và cố gắng hoàn thành trong tháng 7.2023. Với nút giao thông Âu Cơ mà người dân phản ánh thì cố gắng quý 4.2023 hoàn thành.

Tuy nhiên, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch Hội đồng nhân dân Đà Nẵng cho rằng, việc xử lý các điểm đen giao thông như vậy là còn chậm.

“Chúng ta hiện có 29 vị trí điểm đen giao thông đã bố trí kế hoạch cải tạo rồi, nhưng cử tri phản ánh kế hoạch cải tạo như vậy là hơi lâu. Đơn cử như việc lắp đèn tín hiệu ở đường Âu Cơ giao với Tôn Đức Thắng – nơi vừa xảy ra tai nạn khiến 2 người tử vong hồi tháng 4 vừa qua và một số đoạn đường khác. Chỉ mỗi cái đèn tín hiệu thôi không lắp được thì là quá trễ. Tôi đề nghị các đơn vị chậm nhất trước 15.7 phải hoàn thành xong những khu vực trên.

Về việc học sinh, thanh thiếu niên sử dụng xe máy phân khối lớn, nhà trường không cho đi nhưng học sinh vẫn gửi ở bên ngoài thì đây cũng là câu chuyện hành chính tại địa phương. Trách nhiệm của công an cũng chỉ một phần mà các địa phương phải rà soát. Thậm chí nhiều địa phương biết hết nhưng vấn đề là có xử lý hay không chứ cả 100 chiếc xe để ở một thì không thể nói là không biết được. Vậy thì các địa phương cũng phải vào cuộc và từng người dân cũng phải tham gia vào đây chứ không phải muốn giữa xe là giữ” – ông Triết đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn