MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc chiến giành lại vỉa hè: Chưa dẹp sạch đã tái chiếm nghiêm trọng hơn

Anh Nhàn - Thanh Chân LDO | 14/11/2019 09:23

Sau hơn 2 năm thực hiện chiến dịch giành lại vỉa hè, nhiều lòng lề đường trên địa bàn TPHCM vẫn bị lấn chiếm. Người dân cho rằng, cần có sự quản lý những người buôn bán hàng trên vỉa hè để lập lại trật tự đô thị. 

This browser does not support the video element.

Video: Cuộc chiến giành lại vỉa hè: Chưa dẹp sạch đã tái chiếm nghiêm trọng hơn 

Theo thống kê mới đây, trong 157 tuyến đường mà các quận, huyện đăng ký lập lại trật tự lòng lề đường với UBND TPHCM chỉ có 34 tuyến đã được thông thoáng (chiếm 21,7%), còn lại 109 tuyến có chuyển biến nhưng không đáng kể (chiếm 69,4%) và 14 tuyến đường bị đánh giá phức tạp (chiếm 8,9%).

Ghi nhận các tuyến đường dọc TPHCM, rất nhiều vỉa hè bị tái lấn chiếm với mức độ nghiêm trọng. Xe bán đồ ăn, thức uống, đồ chơi cho trẻ em, xe máy, bảng quảng cáo dựng dọc các vỉa hè, không còn lối đi cho người đi bộ. 

Ông Phạm Tùng (quận 1, TP HCM) đã sống ở TPHCM 10 năm nay cho hay, sau đợt ra quân "giành" lại vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1) trước đây thì nay tình trạng vỉa hè vẫn bị lấn chiếm, thậm chí còn trầm trọng hơn trước. Ông Tùng cho rằng, cần quản lý những người buôn bán hàng rong để lập lại trật tự đô thị. 

"Bán hàng rong là một trong những nét đặc trưng của TPHCM nói riêng và là một điều gì đó cuốn hút du khách. Mặt khác, việc buôn bán hàng rong có thể giải quyết phần nào đó nhu cầu công việc cho người lao động. Với giải pháp quy hoạch tập trung, những khu tập hợp hàng rong vô tình trở thành những khu chợ, không còn là nét đặc trưng hấp dẫn của TPHCM. 

Tuy nhiên, việc bán hàng tràn lan khắp nơi lại dẫn đến hình ảnh không đẹp cho đô thị văn minh, gây cản trở giao thông. Do đó, cần tính toán đến phương án quản lý buôn bán hàng một cách hợp lí để đảm bảo an toàn giao thông. Đây là một bài toán không phải dễ, cần có sự quan tâm đồng bộ của nhiều ban, ngành" - ông Phạm Tùng đề xuất ý kiến. 

Ngoài lo lắng về an toàn giao thông, bà Hoàng Anh (quận 5) đặt ra vấn đề về vệ sinh và chất lượng hàng hóa đối với các mặt hàng bán dọc lề đường.

Bà Hoàng Anh cho hay: "Tôi là người rất thích mua sắm và nhận thấy hàng hóa bán ở lòng lề đường luôn có giá rẻ. Lúc đầu chỉ nghĩ là do buôn bán ở vỉa hè không tốn tiền thuê mặt bằng nên người ta bán giá rẻ nhưng sau quá trình sử dụng thì nhận thấy một số sản phẩm không chất lượng. Do đó, không chỉ về an toàn giao thông, vấn đề xuất xứ, nhãn mác và vệ sinh an toàn thực phẩm của các hàng hóa bán trên vỉa hè cũng rất đáng lo ngại". 

Trong khi đó, ông Hoàng Kiên (quận 7, TPHCM) đưa ra ý kiến, nếu chiến dịch hai năm trước đã thực hiện nhưng bây giờ vỉa hè vẫn bị lấn chiếm thì một phần do sự buông lỏng trong công tác quản lý. 

"Nhà nước nên hỗ trợ địa điểm bán hàng rong tập trung, quản lý về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Dọn dẹp lòng lề đường nên thực hiện từng bước, bắt đầu từ những đường lớn. Đồng thời, việc giành lại vỉa hè phải được thực hiện quyết liệt, lực lượng đô thị phải thường xuyên kiểm tra, xử phạt và giám sát để không tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn