MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đã đến lúc điều chỉnh đăng kiểm vận tải thủy

Xuyên Đông LDO | 02/05/2023 07:51
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh đăng kiểm ôtô nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Cũng đã đến lúc Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh đăng kiểm vận tải thủy.

Công tác đăng kiểm vận tải thủy hiện gặp khó khăn ở cơ sở. Báo Lao Động cũng đã nhiều lần phản ánh vấn đề này.

Tiêu biểu như tại phường Hưng Phú (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đối diện bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), có nhiều tàu du lịch đang neo đậu và tạm ngưng hoạt động. Các chủ tàu lo lắng và bức xúc bởi quy định đăng kiểm bắt buộc phải gắn hộp đen, bộ đàm với chi phí trên 20 triệu đồng/bộ.

Vấn đề bất cập trong công tác đăng kiểm vận tải thủy cũng đã được nhiều đơn vị đề cập thời gian gần đây.

Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cho biết, hoạt động vận tải khách du lịch trong dịp Tết và đầu hè năm 2023 đã hoạt động trở lại và bắt đầu tăng trong cuối tháng 4. Trong khi đó, vận tải hàng hóa cũng khá sôi động, dự báo khi các công trình xây dựng hạ tầng trong khu vực đồng bằng Nam Bộ - sông Cửu Long triển khai đồng loạt theo kế hoạch (khoảng giữa năm 2023) sẽ xảy ra tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển cát lấp, cát, đá xây dựng, cấu kiện bê tông, sắt thép định hình.

Hàng hóa vận chuyển đường thủy nội địa có khối lượng ngày càng lớn, tập trung, hệ thống cầu đã được nâng cao tĩnh không, luồng đã và đang được nạo vét thông thoáng, có chiều sâu. Do đó, người dân, doanh nghiệp đã đầu tư đóng tàu to hơn, tốt hơn để kinh doanh. Giá lao động ngày càng cao nên việc đóng tàu to, trọng tải lớn cũng là biện pháp giảm chi phí lao động trực tiếp vì làm tăng năng suất tấn hàng hóa trên một lao động trong chuyến đi.

Tuy nhiên, theo Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam hiện có nhiều quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa và văn bản quy phạm pháp luật cũ, gây khó khăn khi triển khai trong thực tế.

Về công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đã bắt đầu xuất hiện ách tắc trong việc đóng mới phương tiện. Có tình trạng phương tiện đóng xong hoặc gần xong nhưng không hạ thủy hoặc bàn giao được, gây bức xúc cho người dân khi phải vay vốn ngân hàng cả chục tỉ đồng, chậm đưa tàu vào kinh doanh trong khi tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải thủy cũng đồng quan điểm. Từ đó, mong muốn Bộ Giao thông Vận tải sớm có biện pháp tháo gỡ.

Đăng kiểm phương tiện thủy đã bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh: Xuyên Đông

Lãnh đạo Cục đăng kiểm thông tin, đơn vị đang nghiên cứu dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT Bộ Giao thông Vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72: 2013/BGTVT). Mục đích của việc sửa đổi lần này là đơn giản hóa hồ sơ phải nộp đối với các phương tiện vận tải thủy.

Cùng với đó, nghiên cứu điều chỉnh kéo dài thời gian chu kỳ kiểm định phương tiện. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, để đảm bảo an toàn giao thông trước mắt, chủ phương tiện cần chủ động duy tu, bảo dưỡng nhằm bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện.

Có thể nói, qua việc triển khai sửa đổi đăng kiểm ôtô cho thấy việc sửa đổi rút gọn quy trình, chu kỳ đã góp phần giúp công tác đăng kiểm thông thoáng hơn. Đây là tiền đề quan trọng để ngành giao thông tiếp tục sửa đổi đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn