MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đã đến lúc phải sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017

Hiếu Anh LDO | 24/04/2023 19:09

Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 được Quốc hội thông qua năm 2017. Đến nay, Luật Đường sắt đã bộc lộ nhiều bất cập.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Luật Đường sắt 2017 quy định khá đầy đủ về chính sách. Tuy nhiên, thời gian qua ngành đường sắt chưa phát triển như kỳ vọng.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 240.000 tỉ đồng. Thực tế hiện nay, ngân sách nhà nước mới bố trí được 14.025 tỉ đồng  (chiếm tỷ lệ 5,8% so với nhu cầu).

Luật Đường sắt đã bộc lộ những khó khăn, bất cập. Ảnh: Phạm Đông
Chính sách phát triển vận tải đường sắt cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Việt Nam có 3 doanh nghiệp chính kinh doanh vận tải đường sắt, bao gồm công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn và Ratraco. Trong đó, 02 công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn vẫn do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giữ cổ phần vốn góp chi phối.

Như vậy, kinh doanh vận tải đường sắt hiện nay chưa tách bạch với kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.

Việc này dẫn đến kinh doanh vận tải đường sắt chưa thu hút được tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh vận tải trên đường sắt quốc gia, dịch vụ vận tải đường sắt trong thời gian qua không có sự cạnh tranh nên ngày một kém chất lượng, mất dần thị phần.

Các chính sách và ưu đãi, hỗ trợ phát triển vận tải đường sắt về cơ bản mới chỉ nêu nguyên tắc chung, chưa được quy định cụ thể các nội dung, mức ưu đãi nên khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt.

Về chính sách phát triển công nghiệp đường sắt hiện nay chưa đáp ứng được thực tiễn. Theo quy định của Luật Đường sắt về chính sách phát triển công nghiệp đường sắt có quy định, dành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển công trình công nghiệp đường sắt; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước... Tuy nhiên trong thời gian qua, các chính sách này chưa được cụ thể hóa.

Ngoài ra, chính sách phát triển giao thông đường sắt chưa đề cập đến khuyến khích nội địa hóa, làm chủ công nghệ trong sản xuất lắp ráp phương tiện giao thông đường sắt, cũng như đảm bảo phát triển phương tiện giao thông đường sắt đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt và đáp ứng nhu cầu vận tải.

Để tháo gỡ khó khăn, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt ngày 24.4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua 5 năm triển khai Luật Đường sắt đã đóng góp nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, Luật Đường sắt đã bộc lộ những bất cập trong thực tiễn.

Do đó, giai đoạn này các đơn vị cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đường sắt 2017. Việc sửa đổi bổ sung phải phù hợp với Hiến pháp, tương thích với các Điều ước quốc tế. Luật Đường sắt sửa đổi bổ sung cũng cần kế thừa Luật Đường sắt 2017.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc sửa đổi bổ sung Luật Đường sắt 2017 cần chú trọng vào quy định huy động nguồn lực. Theo đó, nguồn lực chính trong phát triển đường sắt vẫn là ngân sách và ODA. Vấn đề xã hội hóa nguồn lực có ý nghĩa bổ sung cho nguồn lực chính. Ngoài ra, thời gian tới cần bổ sung các quy định mới trong Luật Đường sắt như phát triển đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, phát triển công nghiệp đường sắt từ nội lực....

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn