MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều cổng trường ở Hà Nội áp dụng mô hình đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: Thu Giang

Đảm bảo an toàn giao thông để trẻ em vui tới trường

Xuyên Đông LDO | 07/09/2024 10:02

Thời gian qua các địa phương tích cực áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

Siết chặt an toàn giao thông

Đầu năm học mới các địa phương trên cả nước tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Tại Hà Nội, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã tăng cường 100% quân số ứng trực trên toàn tuyến, phối hợp cùng Công an các phường, xã, thị trấn bảo đảm TTATGT tại các điểm trường; nút giao thông gần với khu vực điểm trường có nguy cơ ùn ứ vào giờ cao điểm.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 cho biết, Đội CSGT đường bố số 1 sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 68/KH-BCA-C08 ngày 16 tháng 02 năm 2024 của Bộ Công an thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới".

Đơn vị sẽ phối hợp với các cơ sở Giáo dục trên địa bàn tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn học sinh, sinh viên các kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Tại Thái Nguyên, ngày khai giảng, tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng cao điểm đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

Tại chương trình, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: Những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta luôn ở mức cao. Số người chết do tai nạn giao thông đã đến mức báo động.

Tại lễ phát động, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đề nghị các trường Trung học phổ thông, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Hoàn thiện pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông

Những năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, nhất là đối với trẻ em.

Tai nạn giao thông, tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng nên cần có sự quan tâm của toàn xã hội.

Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua có hiệu lực từ 1.1.2025 là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em; tạo cơ sở pháp lý để trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương vong khi tham gia giao thông đường bộ.

Luật trật tự an toàn giao thông đã có nhiều điểm quan tâm an toàn giao thông cho trẻ em. Tiêu biểu như quy định phải “Có ghế ngồi, giường nằm, dây đai an toàn, cơ cấu neo giữ dây đai an toàn phù hợp quy định; có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ô tô chở người đến 09 chỗ” (Điều 49 Luật Đường bộ); “Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ); Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em” (Điều 9 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ).

Để nâng cao hơn hơn nữa đảm bảo an toàn giao thông cơ quan chức năng vẫn cần, chú trọng giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào trong các môn học thuộc chương trình chính khóa phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, mục tiêu giáo dục, ngành đào tạo; xây dựng các tài liệu tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho học sinh. Từ đó, nâng cao nhận thức cho trẻ em về nguy hại do tai nạn giao thông gây ra; đồng thời nâng cao ý thức, kỹ năng của trẻ khi tham gia giao thông. Đây là biện pháp quan trọng, phòng ngừa tai nạn cho trẻ từ sớm, từ xa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn