MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội lên phương án kết nối xe buýt với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: PV

Đảm bảo kết nối xe buýt cho người dân khi đi đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Phạm Đông LDO | 20/12/2020 16:32

Khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào khai thác thương mại, các phương án kết nối xe buýt sẽ được điều chỉnh phù hợp để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đã thực hiện xong và cấp kiểm định chính thức cho 13 đoàn tàu, hạng mục liên quan của đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Giá vé để áp dụng khi được phép khai thác thương mại được chia thành nhiều loại.

Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (đối tượng ưu tiên theo quy định) và 200.000 đồng/tháng (hành khách thông thường); vé ngày (30.000 đồng/vé, không hạn chế số lần trong ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Nguyễn Văn Ngọc cho biết, quá trình chạy thử này tuân thủ theo đúng biểu đồ vận hành chạy tàu khai thác thương mại với 287 lượt chạy tàu mỗi ngày. Khung giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt.

Theo ông Ngọc, kể từ thời điểm bắt đầu vận hành thử đến nay, mọi việc diễn ra suôn sẻ, tuân thủ theo đúng các yêu cầu kỹ thuật. Tỷ lệ hoàn thành chuyến lượt đạt 100%, tỷ lệ đúng giờ đạt trên 99%.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông đang vận hành thử. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, theo phương án vận hành, dự kiến lượng khách đi lại trên tàu đô thị sẽ rất lớn. Do đó để đảm bảo việc kết nối, các tuyến buýt hiện có sẽ được điều chỉnh, bố trí lại. Việc điều chỉnh luồng tuyến phải đảm bảo đồng bộ, tăng cường kết nối ngang từ 12 nhà ga với các tuyến buýt, giảm dần kết nối dọc.

Ông Hải cho biết, đơn vị này đã tham mưu để Sở GTVT xây dựng phương án số 3622 để kết nối xe buýt với tuyến đường sắt 2A. Có 3 kịch bản kết nối được đưa ra: kịch bản số 1 - sau khi vận hành 6 đoàn tàu; kịch bản số 2 - khi vận hành 10 đoàn tàu; kịch bản số 3 - khi có sự cố dừng tàu trên 2 tiếng.

Với kịch bản số 1, Sở GTVT sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian trải nghiệm miễn phí tàu đường sắt đô thị.

Với kịch bản thứ 2, Sở GTVT tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến buýt đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị, đảm bảo theo lộ trình, các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng sẽ được điều chỉnh trước, các tuyến buýt bị ảnh hưởng lớn sẽ thực hiện điều chỉnh sau.

Với kịch bản thứ 3, ở 3 tháng đầu khi đưa vào vận hành khai thác thương mại, Sở GTVT tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều chỉnh trong 3 tháng đầu từ khi đoàn tàu đi vào khai thác thương mại tại kịch bản 2. Tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga.

Hiện những phương án kết nối này đã được lãnh đạo UBND TP Hà Nội đồng ý và giao các sở ngành triển khai.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, việc khắc phục, xử lý các hư hỏng thuộc trách nhiệm của tổng thầu dự án. Hiện, tổng thầu đang tiến hành rà soát trên toàn bộ 12 nhà ga dọc tuyến nhằm xác định các hư hỏng, xuống cấp để kịp thời khắc phục.

Đối với các hiện tượng lấn chiếm nhà ga làm chỗ đỗ xe, bán hàng, BQL đã đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ xử lý dứt điểm vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn