MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe qua tram thu phí Long Phước trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành Ảnh: Anh Tú

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư 4 dự án cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh

MINH QUÂN LDO | 22/04/2023 13:08

Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài, TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành và hai dự án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành, TP Hồ Chí Minh – Trung Lương sẽ được đẩy nhanh triển khai trước năm 2030, giúp tăng kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài hơn 50 km, điểm đầu giao Vành đai 3, điểm cuối kết nối Quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). 

Công trình có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 20.889 tỉ đồng, trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 9.932 tỉ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 7.032 tỉ đồng và chi phí hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật 2.900 tỉ đồng).

Phần còn lại gần 10.957 tỉ đồng đồng sẽ do nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài được kì vọng giảm tải cho Quốc lộ 22 Ảnh: Anh Tú

Thành phố dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong quý II/2023. Dự án dự kiến khởi công năm 2024 và phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2027.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài để đồng bộ với tiến độ khai thác đường Vành đai 3, Vành đai 4.

Do đó, Sở GTVT kiến nghị bổ sung dự án này vào danh mục dự án quan trọng quốc gia nhằm tranh thủ được sự ủng hộ về nguồn vốn ngân sách Trung ương tham gia thực hiện dự án.

Hiện TP Hồ Chí Minh đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ 2.900 tỉ đồng để phân bổ cho việc giải phóng mặt bằng của hai địa phương.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Tuyến cao tốc dài gần 60 km qua TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước. Dự án được đầu tư giai đoạn 1 trước năm 2030 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.300 tỉ đồng.

Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương 52,3 km, đoạn qua tỉnh Bình Phước 7,1 km. Riêng đoạn qua TP Hồ Chí Minh gần 2 km từ đường Vành đai 2 (nút giao Gò Dưa) đến đường Vành đai 3 chuyển thành đường dẫn cao tốc.

Dự án đi qua ba địa phương nhưng tỉnh Bình Dương được Thủ tướng giao chủ trì triển khai dự án. UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận Tập đoàn Becamex là nhà đầu tư đề xuất dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hiện tỉnh Bình Dương đang phối họp với nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, đoạn dẫn cao tốc gần 2 km đi qua thành phố sẽ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách của TP Hồ Chí Minh. Đối với chi phí xây dựng đoạn này, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc của Thủ tướng với TP Hồ Chí Minh ngày 16.4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị TP Hồ Chí Minh huy động vốn ngân sách triển khai đoạn này.

Mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài hơn 55 km đã khai thác từ năm 2016, quy mô 4 làn xe. Sau 7 năm khai thác, đường đang bị quá tải, nhất là các dịp lễ tết.

Hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) đang lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến cao tốc từ nút giao vành đai 2 TP Hồ Chí Minh đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 21,9 km.

Trong đó, từ nút giao vành đai 2 đến Vành đai 3 mở rộng lên 8 làn xe; từ Vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên 10 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 14.780 tỉ đồng.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành thường xuyên ùn tắc dịp lễ, Tết. Ảnh: Anh Tú

Ngoài ra, đoạn đường dẫn cao tốc dài gần 4 km, từ nút giao An Phú đến Vành đai 2, hiện có 4 làn xe sẽ mở rộng lên 8 làn xe với tổng vốn khoảng 1.123 tỉ đồng. Đoạn này do TP Hồ Chí Minh quản lý nên thành phố đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ vốn để mở rộng.

Tại buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh ngày 16.4, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Theo kế hoạch, dự án mở rộng cao tốc dự kiến lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào quý 3/2024, đấu thầu vào quý 2/2025, thi công hoàn thành và bàn giao công trình năm 2027.

Mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương

Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương dài 62 km nối TP Hồ Chí Minh với Long An, Tiền Giang đưa vào sử dụng năm 2010 cho 4 làn xe lưu thông.

Sau 13 năm khai thác, do nhu cầu giao thông tăng cao, lượng xe lưu thông lớn, tuyến cao tốc này không đảm bảo khả năng thông hành giao thông, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.

Cao tốc TPHCM - Trung Lương quá tải cần sớm được mở rộng. Ảnh: Minh Quân

Mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Theo kế hoạch, dự án được đề xuất tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2023; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và quyết định đầu tư năm 2024. Dự án khởi công năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2027.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn