MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự án 8.500 tỉ kỳ vọng giúp Ngã Tư Sở - Cầu Giấy thoát khỏi tấm áo đã chật

HỮU CHÁNH LDO | 03/01/2024 19:46

Hà Nội - Chuyên gia cho rằng, việc mở rộng Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy để giảm ùn tắc là điều cấp thiết, cần sớm triển khai trong bối cảnh tuyến đường đang "mặc chiếc áo đã chật" suốt nhiều năm qua.

Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Hằng (quận Hai Bà Trưng) mất gần 1 giờ để di chuyển khoảng 10 km từ nhà đến cơ quan ở quận Tây Hồ và ngược lại. Đoạn đường "đau khổ" nhất mà chị phải đi qua mỗi ngày là khu vực Ngã Tư Sở.

Giờ cao điểm, chị phải nhích từng chút một qua nút giao. Còn phía sau lưng là dòng phương tiện xếp hàng dài, chen nhau bóp còi inh ỏi.

Chưa mừng khi vượt qua được Ngã Tư Sở, chị Hằng lại mắc kẹt ở đường Láng. Người phụ nữ 35 tuổi tiếp tục phải vật vã với dòng xe cộ kín đặc và hít không biết bao nhiêu khói bụi.

"Đến được cơ quan, gần như không còn sức làm việc, tuổi thọ như giảm đi một nửa" - chị Hằng nói.

Việc lưu thông qua Ngã Tư Sở trở nên thuận lợi hơn sau khi tổ chức lại giao thông. Ảnh: Hữu Chánh

Ngã Tư Sở nhiều năm nay trở thành "điểm đen" ùn tắc ở Hà Nội, như cách mà người dân hay gọi là "ngã tư khổ". Đặc biệt từ thông xe Vành đai 2 trên cao, phương tiện cả trên cao và dưới thấp cùng đổ xuống Ngã Tư Sở rồi đi ra đường Láng.

Trong khi đường Láng chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều; lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã gấp nhiều lần so với thiết kế nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.

Hai năm qua, ngành giao thông Hà Nội đã nhiều lần tổ chức giao thông khu vực Ngã Tư Sở với kỳ vọng sẽ giảm tải ùn tắc. Cách đây hơn 10 ngày, một phương án phân luồng mới được áp dụng và đã ghi nhận những điểm tích cực.

Điều này khiến người dân như chị Hằng phấn khởi khi được lưu thông nhanh hơn qua khu vực nút giao. Tuy nhiên, chị vẫn quan ngại liệu tình trạng ùn ứ có “chạy” từ Ngã Tư Sở sang các nút giao ở đường Láng?

Ùn tắc trên đường Láng, sáng 3.1. Ảnh: Hữu Chánh

Ghi nhận của Lao Động sáng 3.1 cho thấy, Ngã Tư Sở đã thông thoáng hơn với trước đây sau khi xén dải phân cách và mở một làn riêng đi thẳng không dừng hướng từ Trường Chinh về đường Láng.

Tuy nhiên, dọc trục đường Láng, tình hình ùn tắc trở nên căng thẳng ở các nút giao Láng - Lê Văn Lương hay Nguyễn Chí Thanh. Các phương tiện phải xếp thành hàng dài, chen chúc nhau nhích từng chút một.

Nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy.

Theo cơ quan này, quy mô mặt cắt đường sẽ rộng 53,5 m, dài 3,44 km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỉ đồng.

Phương tiện xếp thành hàng dài trên đường Láng. Ảnh: Hữu Chánh

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, nhiều năm qua, tuyến đường từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy đang "mặc chiếc áo đã chật", đặc biệt từ thời điểm Vành đai 2 trên cao thông xe khiến trục đường thường xuyên tắc nghẽn.

Theo ông Tạo, trong bối cảnh hạ tầng toàn tuyến chưa đồng bộ, Ngã Tư Sở lại nằm tại vị trí chiến lược, chốt hai tuyến giao thông cực kỳ trọng yếu là Vành đai 2, Quốc lộ 6 hướng tâm, rất cần phương án tổ chức tối ưu cho nút giao này.

Chuyên gia cho rằng, ngoài công tác tổ chức phân luồng hay xén dải phân cách, mở thêm làn, ngành giao thông Hà Nội cần triển khai đầu tư hoàn thiện giao thông qua nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh.

Trong đó, tổ chức xây dựng Vành đai 2 tiếp nối từ Ngã Tư Sở kết nối vào Cầu Giấy. "Đây là việc cần thiết và cấp bách để giảm xung đột dòng phương tiện" - ông Tạo nói.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất chi 8.500 tỉ đồng cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Ảnh: Hữu Chánh

Chuyên gia nhấn mạnh, muốn các tuyến vành đai phát huy hết năng lực phải bảo đảm nó trở thành trung tâm, kết nối chặt chẽ với toàn mạng lưới đường bộ của Hà Nội.

Tuy nhiên, hiện nhiều tuyến nối giữa các vành đai, đặc biệt là đường trong nội đô đang gặp không ít khó khăn, triển khai chậm chạp. Do đó tính liên kết giữa các vành đai chưa chặt chẽ, chưa phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn