MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án giao thông Âu Cơ – Nghi Tàm, Xuân Diệu đang được triển khai. Ảnh: Hữu Chánh

Dự án Âu Cơ – An Dương Vương thi công ì ạch, người dân Hà Nội gửi con về quê tránh bụi

HỮU CHÁNH LDO | 22/04/2023 20:23
Hà Nội - Dự án giao thông Âu Cơ – An Dương Vương triển khai ì ạch khiến giao thông qua đây thường trong tình trạng ùn tắc. Còn nhiều hộ dân quanh khu vực phải sống chung với ô nhiễm môi trường.

Dù cả ngày đóng 2 lớp cửa, nhưng các phòng của gia đình bà Lan (70 tuổi, sống ở đường Âu Cơ) vẫn bị bao phủ bởi một lớp bụi dày.

"Mỗi ngày ít nhất 2 lần, tôi lau dọn nhưng gần như không hiệu quả bởi bụi bám quá nhanh. Giờ chẳng biết làm thế nào, đành sống chung với bụi" - bà Lan nói.

Bà Lan cho biết thêm, do thời gian thi công dự án giao thông Âu Cơ – An Dương Vương ì ạch, điều này gây ồn ào, bụi bặm nên gia đình đã gửi 2 cháu về quê ngoại sinh sống, học tập để các cháu có không khí trong lành hơn.

"Chỉ chờ đến khi nào con đường này hoàn thiện, tôi mới bảo các con đón cháu về đây" - bà nói.

 Nhà thầu thi công kết cấu cho lớp đê mới bằng bê tông cốt thép. Ảnh: Hữu Chánh

Phía đối diện bên nhà bà Lan, hàng nước của bà Nguyễn Thị Thủy (67 tuổi) cũng vơi khách dần từ ngày có dự án.

Chỉ một chiếc xe máy đi qua, người phụ nữ liên tục phải lấy khăn ướt lau mặt bàn, hất nước ra mặt đường cho lớp bụi đỡ bị những phương tiện đi qua cuốn bay lên.

Bà Thủy cho biết, ban đêm thì máy móc thi công, xe đổ bê tông qua lại tạo thành tiếng ồn khủng khiếp. Điều này khiến nhiều đêm, bà không thể chợp mắt.

"Sau khi giải phóng mặt bằng xong, gần độ tháng nay, vẫn chưa thấy công nhân đến thi công các hạng mục khác. Trời nắng thì bụi bặm, trời mưa, khu vực này trở nên nhớp nhúa, lầy lội, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân" - bà Thủy nói.

 Người dân phải tưới nước thường xuyên để hạn chế bụi bẩn. Ảnh: Hữu Chánh
Đây là tuyến đường quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô. Ảnh: Hữu Chánh

Đây là tuyến đường quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô, kết nối gần nhất với trung tâm hành chính Ba Đình và sân bay quốc tế Nội Bài, mật độ giao thông luôn đông đúc.

Mặt đường hiện trạng chỉ có bề rộng 8 - 9 m, hai làn xe, thiếu đồng bộ, thường xuyên ùn tắc kéo dài. Do vậy, việc chỉnh trang, cải tạo là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc rào chắn kéo dài để phục vụ thi công đường Âu Cơ – An Dương Vương đã gây rất nhiều khó khăn cho việc lưu thông của người dân trong thời gian dài vừa qua.

 Mặt đường hẹp, các phương tiện gặp nhiều khó khăn khi di chuyển. Ảnh: Hữu Chánh
Đoạn đê mới có chiều cao 2,4 m tính từ mặt đường. Ảnh: Hữu Chánh

Cùng với đó, dự án mở rộng, nâng cấp đường Xuân Diệu của quận Tây Hồ cũng đang chậm trễ nhiều tháng so với kế hoạch dự kiến. Các yếu tố này đã góp phần đẩy áp lực giao thông khu vực Âu Cơ – Nghi Tàm – Xuân Diệu lên mức báo động.

Theo ghi nhận, đơn vị thi công cơ bản đã hoàn thành việc phá bỏ hệ thống đê cũ để mở rộng đường. Nhà thầu đang tập trung thi công kết cấu cho lớp đê mới bằng bê tông cốt thép. Đoạn đê mới sau khi hoàn thành sẽ có chiều cao 2,4 m tính từ mặt đường.

Hiện, dự án mở rộng đường Âu Cơ - An Dương Vương đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Máy móc cùng hàng chục công nhân được huy động thi công đồng loạt trên toàn tuyến.

Tuy nhiên, do một số hạng mục chỉ có thể thực hiện vào ban đêm do xe trọng tải lớn phải tuân thủ quy định phân luồng.

 Công nhân thi công các hạng mục. Ảnh: Hữu Chánh

Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - An Dương Vương, là công trình giao thông cấp II, công trình đê điều cấp đặc biệt. Theo quy định, hạng mục này chỉ được làm trong mùa khô và không được làm trong giai đoạn từ 15.6 đến 31.10 hàng năm.

Do đó chỉ thi công được 7 tháng, mỗi 1 lần thi công lại phải tổ chức phân luồng giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời có nhiều quy định về đê điều bị thay đổi nên phải chỉnh sửa lại một số thiết kế nên dự án chậm tiến độ.

Một số đoạn quây tôn nhưng chưa được thi công. Ảnh: Hữu Chánh
Tuyến đường này được dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2024. Ảnh: Hữu Chánh

Dự án mở rộng đường Âu Cơ - An Dương Vương có tổng mức đầu tư trên 815 tỉ đồng được UBND Hà Nội xin Thủ tướng thực hiện theo cơ chế đặc thù, cấp bách.

Theo quyết định điều chỉnh lần 1 của UBND Hà Nội, dự án phải hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn thi công chưa xong và đã trải qua 4 lần điều chỉnh thời hạn.

Lần mới đây nhất, công trình này được dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn