MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trường đoạn Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa sau gần 4 năm dừng thi công. Ảnh: Anh Tú

Dự án Vành đai 2 TPHCM lận đận 16 năm vẫn chưa khép kín

MINH QUÂN LDO | 23/11/2023 06:00

TPHCM - Dự án đường Vành đai 2 TPHCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64km có vai trò quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Tuy nhiên, cho đến nay, đường Vành đai 2 hiện vẫn còn 14 km (chia làm 4 đoạn) chưa được khép kín.

Dự án nghìn tỉ "đứng bánh"

Trong 4 đoạn còn lại của dự án Vành đai 2 TPHCM, hiện chỉ có đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), dài 2,7 km đã triển khai từ năm 2017, nhưng đang dang dở.

Công trình được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn hơn 2.700 tỉ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng.

Vướng mắc trong thủ tục thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư và chậm đền bù, giải tỏa khiến dự án dừng từ tháng 3.2020 đến nay, khi đạt gần 44% khối lượng.

Ghi nhận ngày 22.11, sau gần 4 năm ngưng trệ, công trường dự án um tùm cỏ dại, hình thành những đường mòn dân sinh đi tắt qua khu vực.

Nhiều hạng mục thi công dở dang, sắt thép đã hoen gỉ sau thời gian dài phơi nắng mưa. Từ khi dự án bị ngưng, nhà đầu tư rút toàn bộ công nhân, chỉ thuê người ở lại trông coi. Người dân sinh sống quanh khu vực đã tận dụng đất trống để chăn thả bò.

Người dân chăn thả bò trong công trường dự án Vành đai 2. Ảnh: Minh Quân

Ông Trần Đức Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái (chủ đầu tư), cho biết, đến nay đơn vị đã tạm ứng kinh phí cho giải phóng mặt bằng và thi công tuyến đường hơn 1.400 tỉ đồng. Sau gần 4 năm dừng thi công, dự án đã phát sinh lãi hơn 700 tỉ đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 14,2 tỉ đồng.

UBND TPHCM trước đó đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận dùng 4 khu đất ở Quận 1, 3, 10, Bình Tân để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị của thành phố chưa được Thủ tướng chấp thuận.

Dự án kỳ vọng sớm khởi động lại sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép thành phố thu hồi và thực hiện các thủ tục giao đất cho nhà đầu tư.

Dự kiến sắp tới TPHCM sẽ cập nhật và làm các thủ tục thanh toán cho doanh nghiệp dự án.

Ngoài vướng thủ tục thanh toán, giải phóng mặt bằng chậm cũng ảnh hưởng tiến độ công trình. Dự án này có phạm vi giải tỏa khoảng 15,6 ha, với gần 470 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Đến nay, TP Thủ Đức đã bàn giao khoảng 74% diện tích mặt bằng.

"Doanh nghiệp mong các khó khăn sớm được tháo gỡ để thi công trở lại, tránh phát sinh thêm lãi vay ngân hàng. Dự kiến cần khoảng 18 tháng kể từ thời điểm thi công trở lại để hoàn thành dự án" - ông Thắng nói.

3 đoạn còn lại khi nào triển khai?

Ngoài dự án trên, trong 3 đoạn còn lại thuộc Vành đai 2 chưa đầu tư, đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đường Võ Nguyên Giáp được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 9 năm nay.

Đoạn này có tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỉ đồng) từ ngân sách TPHCM.

Quy mô dự án gồm làm đường song hành hai bên với 6 làn xe (mỗi đường rộng 17 m, quy mô 3 làn xe), tại nút giao Bình Thái được thiết kế nút giao hoàn 3 tầng…

Công trình khởi công từ quý II/2025, hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2026.

Điểm cuối đoạn 1 của Vành đai 2 TPHCM tại nút giao Bình Thái, đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Anh Tú

Trong khi đó, đoạn 2 của Vành đai 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng dài khoảng 2,75 km dự kiến trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 12 tới.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.543 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.956 tỉ đồng), bằng vốn ngân sách TPHCM.

Dự án sẽ đầu tư đường song hành hai bên (mỗi đường rộng 16,5m, đáp ứng 3 làn xe, để trống ở giữa 34 m phục vụ mở rộng đường sau này).

Đồng thời, xây dựng 2 nhánh cầu Rạch Ngang, xây dựng nút giao 3 tầng tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Vành đai 2.

Phối cảnh nút giao 3 tầng Phạm Văn Đồng - Vành đai 2 trong tương lai. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Còn đoạn 4 dài 5,3km của Vành đai 2 nối Quốc lộ 1 qua đường Nguyễn Văn Linh tổng mức đầu tư 16.400 tỉ đồng, được Sở GTVT TPHCM đề xuất làm theo hai giai đoạn trước năm 2030.

Đoạn này được đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc huy động vốn bên ngoài, bao gồm cả việc nghiên cứu đầu tư bằng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn