MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên đường tự phát tại Hà Nội.

Đường tự phát Huyndai, Ngô Minh Dương: Quy định đặt tên phố có phiền hà?

ANH THƯ LDO | 02/08/2019 16:10

Một loạt tên đường tự phát như “đường Huyndai”, “Ngô Minh Dương” xuất hiện, bộc lộ nhu cầu đặt tên cho tuyến đường mới hoàn thành rất lớn ở Hà Nội. Trong khi đó, để có một tên đường chính thống, phải trải qua 12 bước nghiêm ngặt.

Nghiêm ngặt quy trình xét duyệt tên một con đường

Bà Phạm Thị Lan Anh -Trưởng phòng Quản lý di sản văn hoá (Sở VHTT Hà Nội) cho biết TP.Hà Nội đã xây dựng 12 bước trong quy trình đặt tên đường, phố. Đầu tiên, Sở VHTT có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã để rà soát, tổng hợp Danh mục đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên.

Tiếp đó, tổ công tác liên ngành phối hợp với UBND và các phòng ban chuyên môn của địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng.

Sau khi tổng hợp thông tin, hội đồng tư vấn họp cho ý kiến thống nhất đặt tên các tuyến đường, phố. Nếu đồng thuận sẽ xin ý kiến của Bộ, Ngành liên quan.

Hồ sơ dự kiến đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn được báo cáo tập thể UBND TP.

Toàn cảnh con đường 10 làn đường nối đường Phạm Văn Đồng (Vành đai 3) và Võ Chí Công (Vành đai 2) ở Hà Nội. Ảnh VT

Sau khi xin ý kiến Thường trực Thành ủy, sẽ xin ý kiến thỏa thuận của Bộ VHTT và Du lịch, Sở Tư pháp thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố trên Cổng thông tin điện tử để người dân góp ý.

Tiếp đó, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ban Pháp chế, Ban VHXH, Ban Đô thị - HĐND Thành phố kiểm tra thực tế và thẩm tra trước kỳ họp. Bên cạnh đó, trình HĐND TP thông qua và ban hành Nghị quyết.

Cuối cùng, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định đặt tên và điều chỉnh độ dài các đường, phố và công trình công cộng.

Phải tăng cường số đợt xét đặt tên

Liên tiếp nhiều tên phố tự phát xuất hiện, ông Trương Minh Tiến – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thừa nhận, đường phố được đặt tên là nhu cầu chính đáng của người dân và phục vụ công tác quản lý trên địa bàn.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho rằng, trong những năm qua, tốc độ đô thị hoá của Hà Nội rất nhanh. Yêu cầu phát triển của khu đô thị, khu dân rất cao, nên nhu cầu đặt tên đường, phố rất lớn.

Trao đổi về quy trình 12 bước đặt tên một con đường, ông Tiến cho rằng: “Chính phủ đã có quy định và TP Hà Nội có những quy chế về vấn đề này. Các bước thực hiện trong quy định đặt tên không có gì phiền hà”.

Theo ông Tiến, yêu cầu phải thực hiện theo đúng các bước theo quy định vì một đường phố được đặt tên là địa danh, sự kiện lịch sử, danh nhân phải phù hợp và xứng đáng. Sở dĩ, xảy ra hiện tượng đặt tên đường tự phát như vừa qua đã phản ánh nhu cầu có tên đường của người dân là rất lớn.

“Hiện nay, một năm, TP xét đặt tên đường một đợt vào dịp HĐND TP họp cuối năm. Mỗi đợt cũng chỉ đặt được vài chục tên đường. Trong khi nhu cầu đặt tên những con đường là rất lớn, vì vậy, nên tăng cường số lần xét đặt tên”, ông Tiến nói.

Tên đường Huyndai tự phát. Ảnh PV

Ngoài ra, địa phương có những đề nghị đặt tên đường phải có sự tham mưu trước. Thứ nhất, đề nghị đặt tên của địa phương đảm bảo tiêu chuẩn về đường (như vỉa hè hoàn chỉnh, dân cư, điện thắp sáng) hoặc đề xuất tên đường.

“Có tình trạng địa phương muốn tên đường này nhưng trình lên không phù hợp. Việc trao đổi lại giữa cơ quan và địa phương sẽ mất nhiều thời gian hơn”, ông Tiến bày tỏ.

Ông Tiến cho biết thêm: “Năm trước, TP đã sửa đổi quy chế đặt tên số ở các khu đô thị. Việc tăng cường đặt tên bằng số khu đô thị sẽ nhanh, gọn hơn rất nhiều”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn