MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh đường Vành đai 2 trên cao trước ngày thông xe. Ảnh: Phương Anh

Đường Vành đai 2 trên cao thông xe: Những điểm người dân cần lưu ý

HỮU CHÁNH LDO | 11/01/2023 06:36

Hà Nội - Người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông, Luật Giao thông đường bộ,… để đảm bảo an toàn giao thông khi đường Vành đai 2 trên cao chính thức thông xe.

Tối 10.1, Sở GTVT Hà Nội thông báo về việc Phân luồng tổ chức giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ phục vụ thông xe kỹ thuật tuyến đường bộ trên cao thuộc Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.

Theo đó, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được đi đường Vành đai 2 trên cao, bao gồm: Máy kéo, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường trên cao); người đi bộ, xe thô sơ; súc vật.

Người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi đường Vành đai 2 trên cao bao gồm: Các phương tiện cơ giới đường bộ có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan được phép tham gia giao thông trên đường cao tốc.

Việc lưu hành các loại xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng trên đường trên cao thực hiện theo Giấy phép lưu hành xe được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp.

Theo thiết kế, mỗi chiều xe chạy gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,75m và dải an toàn trong rộng 0,5m, giải an toàn ngoài là 0,67m. Đối với các nhánh lên/xuống có bề rộng 7m, bố trí 1 làn đường xe chạy là 6m, dải an toàn hai bên là 0,5m.

Đường Vành đai 2 trên cao sẽ chính thức thông xe vào ngày 11.1. Ảnh: Phương Anh

Giao thông trên đường trên cao theo hai chiều riêng biệt (phân chia bởi dải phân cách cứng). Các xe chỉ được ra, vào đường trên cao ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại Ngã Tư Sở; Ngã Tư Vọng; Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến chân cầu Cầu Vĩnh Tuy); không được quay đầu xe trên đường trên cao, chỉ dẫn xe chạy trên đường trên cao thông qua hệ thống sơn phân làn và hệ thống biển báo.

Tốc độ lưu hành cho phép đối với các phương tiện tham gia giao thông trên cầu chính là 80km/h, trên cầu nhánh là 60 km/h. Người lái xe phải làm chủ tốc độ trên các nhánh đi vào, đi ra đường trên cao nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ tuân thủ theo sự hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông, Luật Giao thông đường bộ,… tại các nút giao, điểm quay đầu, toàn tuyến đường và các tuyến phố giao cắt với đường Vành đai 2 mở rộng (đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và ngược lại).

Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp, có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỉ đồng.

Trong đó, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn