MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Tuấn lo lắng khi giá xăng tăng ảnh hưởng đến thu nhập. Ảnh: NVCC

Giá xăng tăng, khách vắng, thu nhập của lái xe bấp bênh

Quế Chi LDO | 15/03/2022 11:29
Giá xăng tăng nhưng chưa dám tăng giá dịch vụ, những lao động tự do làm nghề chở khách, chở hàng hoá rất lo lắng về thu nhập, công việc của mình.

Thu nhập giảm  

“Mấy hôm nay giá xăng lên gần 30.000 đồng/lít, cao quá nên tôi tạm nghỉ xem tình hình thế nào”, anh Lê Anh Tuấn - lái xe cá nhân chuyên chở khách đi từ huyện Đông Hưng (Thái Bình) - Hà Nội - cho biết khi phóng viên liên hệ. Theo anh, thường sau Tết, lượng khách có nhu cầu thuê xe đi lại ít. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, và gần đây là giá xăng tăng nên khách càng vắng hơn. Từ ngày 25.2 đến nay, anh Tuấn mới chạy được 6 lượt Thái Bình - Hà Nội (cả đi và về).  

Anh Tuấn chạy dòng xe Vios. Khi xăng chưa tăng giá, mỗi lần anh đổ đầy bình xăng hết khoảng 500.000-600.000 đồng. Hiện, để đổ đầy bình xăng anh Tuấn phải chi hơn 1 triệu đồng.

Giá xăng tăng cao nhưng anh Tuấn chưa dám tăng giá vé của khách. Thời điểm này cách đây 1 năm, giá một chiều đi hoặc về Thái Bình - Hà Nội là 250.000-280.000 đồng/người; hiện 300.000 đồng/người; giá thuê cả xe là 800.000 đồng/chiều đi hoặc về.

“Tôi không dám tăng giá vì nhiều khách hàng vẫn còn ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, gặp nhiều khó khăn” - anh Tuấn nói.  

Với giá xăng như trước đây, nếu có khách cả 2 chiều đi và về Thái Bình - Hà Nội, trừ đi chi phí xăng xe, ăn uống dọc đường... anh Tuấn “bỏ túi” khoảng 800.000 đồng. Còn bây giờ, con số này “teo” lại còn khoảng 400.000-500.000 đồng. Thu nhập giảm do giá xăng tăng, trong khi đó, anh vẫn phải trả tiền vay ngân hàng mua xe, khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Áp lực trả tiền vay, rồi tiền chi phí sinh hoạt cho gia đình, nhưng khi giá xăng tăng, lại ít khách đi hơn (một phần do là thời điểm đầu năm), nên anh Tuấn đành nghỉ làm một vài hôm để nghe ngóng thêm tình hình.

“Bây giờ tôi tạm thời chỉ chở khách quen. Thu nhập nói chung chỉ là lấy công làm lãi, không được như trước đây nữa” - anh Tuấn cho hay.  

Khách hàng ít đi  

Cũng giống như anh Tuấn, anh Thuỷ - lái xe chở hàng, thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội - cũng đang rất lo lắng khi giá xăng tăng cao trong thời gian vừa qua. 

“Mỗi lần đi đổ xăng thấy đứt ruột” - anh Thuỷ than thở, cho biết, cuối năm ngoái, khi giá xăng chưa tăng như hiện nay, anh đổ đầy bình chiếc xe tải hạng nhỏ (40 lít) hết khoảng 700.000-800.000 đồng; còn hiện nay, anh phải bỏ số tiền 1.100.000-1.200.000 đồng.  

Để có tiền mua chiếc xe tải, anh Thuỷ phải vay ngân hàng. Hiện nay, mỗi tháng anh phải trả cả gốc lẫn lãi gần 5 triệu đồng.

“Công việc của tôi là chở hàng thuê, chủ yếu là cho các cơ sở sản xuất. Giá xăng tăng thời gian gần đây khiến công việc, thu nhập của tôi bị ảnh hưởng nhiều. Gần 1 tuần nay, tôi không chạy xe vì không có khách” - anh Thuỷ nói.  

Anh Thuỷ cho rằng, bên cạnh là thời điểm đầu năm, rồi ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì giá xăng tăng cũng là một nguyên nhân khiến các mối khách hàng giảm. Theo anh, giá xăng tăng kéo theo đầu vào nguyên liệu sản xuất, các mặt hàng tăng, dẫn đến các cơ sở sản xuất có thể tạm ngừng nhập nguyên liệu sản xuất hoặc tạm ngừng nhập hàng, vì vậy, anh ít khách đi, thậm chí vài ngày nay anh không có khách. 

Anh Thuỷ bảo, mong xăng giảm giá, bởi người “ôm vô lăng” như anh sẽ  bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn