MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tính đến tháng 12/2021, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (gồm đội tàu vận tải biển chuyên dụng và đội tàu/phương tiện khác) có 1.502 tàu. Ảnh Huy Bằng

Giải pháp nào để phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam?

Khánh Hoà LDO | 27/05/2022 17:05

Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, thị trường vận tải biển Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng và nhiều hãng tàu "ăn nên làm ra" nhờ giá cước duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, theo Cục Hàng hải, để giải bài toán phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam vẫn cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ và lâu dài.

Nhiều hạn chế, đội tàu Việt Nam gặp khó trong cạnh tranh

Phát biểu tại hội thảo phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam ngày 27.5, ông Hoàng Hồng Giang, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam nhận định tiềm năng đội tàu vận tải biển quốc tế là rất lớn nhưng cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội thảo chiều 27.5. Ảnh KH 

Theo đó, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng về lượng hàng hóa thông qua cảng biển, cụ thể trong năm 2020 lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt 692 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019, trong đó lượng hàng hóa container đạt 22,4 triệu TEUs, tăng 14% so với năm 2019. Lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2021 đạt hơn 706 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lượng hàng hóa container đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 7% so với năm 2020.

Hệ thống cảng biển Việt Nam trong những năm qua phát triển đồng bộ, hiện đại đón được những tàu biển lớn nhất thế giới vào làm hàng. Về cơ bản, hệ thống cảng biển đáp ứng được nhu cầu tàu thuyền ra vào cảng, thời gian tàu đợi cầu rất thấp, đáp ứng thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng vận chuyển nội địa. Tuy nhiên, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container ở Việt Nam lại chủ yếu do hãng tàu nước ngoài đảm nhận, đặc biệt tuyến biển xa đến các nước phát triển như Châu Âu, Mỹ. 

Đội tàu trong nước hiện chủ yếu đảm nhận phần vận tải nội địa, hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực Châu Á. Thị phần vận tải biển tuyến quốc tế của đội tàu vận tải biển Việt Nam đang có xu hướng giảm, trong khi đó đội tàu mang cờ nước ngoài thuộc sở chủ tàu Việt Nam có xu hướng tăng trong thời gian qua.

Cơ cấu đội tàu biển trong nước cũng chưa hợp lý, chủ yếu tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, hàng rời; thiếu tàu container và tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế. 

Bên cạnh đó, nhân lực vận tải biển, hiện còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Thị trường quốc tế rộng lớn, giá cước cao nhưng sức cạnh tranh của đội tàu vận tải biển của Việt Nam yếu, khó dành được hợp đồng vận chuyển. Thị trường vận tải nội địa không lớn nhưng số lượng tàu nhiều, dẫn tới tình trạng cạnh tranh cao, giảm giá cước, làm hiệu quả hoạt động của các chủ tàu không cao.

Tính đến tháng 12/2021, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (gồm đội tàu vận tải biển chuyên dụng và đội tàu/phương tiện khác) có 1.502 tàu (không tính số liệu tàu đang đóng), tổng dung tích khoảng 7,145 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 11,7 triệu DWT. Trong đó, tàu vận tải biển chuyên dụng có 1.032 tàu với tổng dung tích khoảng 6,3 triệu GT và khoảng 10,6 triệu DWT, chủ yếu là cỡ tàu nhỏ (từ 5.000 GT trở xuống) và cỡ tàu trung bình (từ trên 5.000 GT đến 10.000 GT). Trong năm 2021, tổng trọng tải của đội tàu vận tải biển Việt Nam có sự tăng lên nhanh chóng, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tàu chuyên dụng trọng tải lớn, như tàu dầu thô trọng tải đến 300.000 DWT, tàu khí hóa lỏng,...

Gỡ khó bằng cách nào?

Trong khuôn khổ hội thảo nhiều ý kiến đề xuất của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải biển được đưa ra để tạo cơ chế, mở hành lang tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp nhằm giảm gánh nặng tài chính tại thời điểm đầu tư như cho phép không áp dụng thuế VAT (10% theo quy định hiện nay) khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026, miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG,... và các tàu chở LNG; miễn thuế cho các chủ hàng Việt Nam ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với số lượng lớn với các chủ tàu Việt Nam...

Các doanh nghiệp cũng đề nghị giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển vận tải hàng hóa hoạt động tuyến nội địa có thâm niên công tác từ 05 năm trở lên, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có chính sách cho các chủ tàu Việt Nam có tàu hoạt động tuyến quốc tế có doanh thu ngoại tệ được phép vay ngoại tệ để đầu tư mua tàu biển; Ngân hàng áp dụng lãi suất ưu đãi cho đầu tư mua, đóng mới tàu biển vận tải hàng container; tàu biển vận tải sử dụng nhiên liệu sạch...

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên cũng được đưa ra. Theo đó, đại diện trường Cao đẳng Hàng hải I đề xuất Bộ GTVT tăng cường hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư thiết bị dạy học, xây dựng cơ chế trong việc tiếp nhận người học thực tập trên các tàu biển...

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết Bộ GTVT đã và đang hoàn thiện đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam với nhiều giải pháp đồng bộ và có lộ trình cụ thể để trình Chính phủ nhằm tạo điều kiện phát triển không chỉ đội tàu vận tải quốc tế mà cả đội tàu nội địa. Thứ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục tập hợp, tiếp thu các ý kiến đề xuất đóng góp từ các doanh nghiệp hiệp hội để hoàn thiện một cách cụ thể, chi tiết đề án quan trọng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn