MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ùn tắc giao thông ở đoạn Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Ảnh: Tô Thế

Giải pháp tháo gỡ ùn tắc giao thông khi đường vành đai 2 trên cao thông xe

Phạm Đông LDO | 12/11/2020 18:33
Kể từ khi đường vành đai 2 trên cao thông xe và xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài ở hai đầu, các đơn vị chức năng đã liên tục ghi nhận thực tế, có ý kiến và tìm biện pháp tháo gỡ về việc này.

Sau khi đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) chính thức thông xe, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm. Theo ghi nhận của Lao Động, tại nút giao Ngã Tư Sở, cụ thể từ hướng Trường Chinh đi đường Láng (Hà Nội), tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra vô cùng nghiêm trọng, hàng ngàn phương tiện "chen chân" nhau trong giờ cao điểm.

Nói về vấn đề này, bà Đinh Thị Thanh Bình - Giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, việc ùn tắc là do công tác tổ chức giao thông chưa hợp lý. Trong đó nguyên nhân trực tiếp là việc phân luồng giao thông và đèn tín hiệu tại khu vực này.

"Việc ùn tắc thường xuyên xảy ra ở những lối lên xuống vành đai 2, không được thông suốt trên dọc tuyến đường." - bà Bình chia sẻ.

Nói về giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông tại khu vực này, đặc biệt trong giờ cao điểm, bà Bình cho rằng cần điều chỉnh lại hệ thống đèn tín hiệu. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT cần xem xét lại việc phân làn, phân luồng cho các phương tiện giao thông. Về mặt lý thuyết, hạ tầng giao thông hiện nay vẫn chưa có sự đồng nhất, có những vị trí chưa cải thiện xong. Điều này dẫn đến dồn phương tiện vào những vị trí hẹp, những khu vực thắt nút cổ chai. Điều này dẫn đến ùn tắc giao thông trên tuyến đường.

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, 2 điểm lên xuống cầu quá gần ngã tư nên không thể bố trí điểm quay đầu. Các phương tiện không có điểm quay đầu buộc phải đi vào ngã tư để quay ngược trở lại dẫn đến dồn ứ hàng trăm mét. Không những vậy, nhiều phương tiện đi ngược chiều để tránh chỗ tắc đường trên đường Trường Chinh cũng càng khiến tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn.

Sáng 9.11, đường Vành đai 2 trên cao chính thức được đưa vào khai thác. Ảnh: Tô Thế

Cùng nói về vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp cho biết, sau khi tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường xảy ra, Sở GTVT đã có chỉ đạo và có phương án nắm bắt tình hình. Theo đó, trong 10 ngày kể từ khi thông xe, các đơn vị chức năng sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình giao thông tại các nút, đặc biệt là trên tuyến đường Trường Chinh.

Theo ông Hiệp, lực lượng chức năng sẽ tổ chức điều tiết lại giao thông cho phù hợp, có sự điều chỉnh liên lục.

"Mặc dù nói thông tuyến vành đai 2 nhưng khoảng cách chỉ có 1 đoạn ngắn. Khi đường này hoạt động nhanh hơn sẽ gây áp lực cho các nút Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Các xe sẽ dồn về các nút giao này dẫn đến ùn tắc giao thông. Khi thông được toàn tuyến vành đai 2 này thì bài toán ùn tắc giao thông sẽ được xử lý" - ông Hiệp thông tin.

Ông Hiệp cũng cho biết, trung tâm tín hiệu đèn sẽ điều tiết đèn tín hiệu giao thông, ưu tiên cho tuyến Trường Chinh - Láng. Cụ thể là giảm từ 90 giây đèn đỏ xuống còn 70 giây đèn đỏ, tăng từ 60 giây đèn xanh lên 88 giây đèn xanh. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục theo dõi để có thêm những biện pháp hữu hiệu khác.

Cũng theo ông Hiệp, trong thời gian này, lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT sẽ được bố trí và tăng cường để theo dõi, hướng dẫn cho người dân quen dần với tổ chức giao thông mới, từ đó giảm áp lực giao thông.

Trước đó, từ ngày 9.11, đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở và ngược lại) chính thức thông xe nhưng chỉ cho phép ô tô di chuyển. Xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ không được phép lưu thông trên tuyến đường này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn