MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải ùn tắc giao thông ở Hà Nội: Không chỉ hạn chế phương tiện cá nhân

ANH THƯ LDO | 17/03/2019 16:33
Các chuyên gia phân tích, ùn tắc giao thông ở Hà Nội bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Để giải bài toán này, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề, chứ không chỉ tập trung vào hạn chế phương tiện cá nhân.

Về vấn đề thí điểm dừng hoạt động xe máy trước tiên tại một số khu vực, tuyến đường như Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương, KTS Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nhận định, muốn giải quyết ùn tắc giao thông Hà Nội cần có kế hoạch, chương trình cụ thể.

Chuyên gia này đặt câu hỏi, đường Nguyễn Trãi  và Lê Văn Lương có buýt nhanh BRT và đường sắt trên cao nhưng đã có kết nối chưa? Bên cạnh di chuyển trên 2 tuyến đó, người dân còn đi vào các tuyến phố cắt ngang. Như vậy, phương tiện công cộng có đáp ứng hết nhu cầu đi lại ở đây hay không?

Để tạo được sự đồng thuận trong việc cấm xe máy, theo ông Nghiêm, cần phân chia khu vực để hạn chế xe máy, chứ không nên làm theo tuyến đường. Đồng thời tăng khả năng vận hành, kết nối của hệ thống vận tải công cộng; xây dựng thêm các bến, bãi trông giữ phương tiện giao thông cá nhân tại các bến xe buýt, bến tàu điện.

Về vấn đề ùn tắc giao thông, Hà Nội đã dự báo tình trạng trên từ nhiều năm trước và chỉ đạo giải quyết ùn tắc giao thông là vấn đề trọng tâm. Ông Nghiêm bày tỏ: “Lãnh đạo từ Trung ương đến Hà Nội đã nhìn thấy tổng hòa nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông. Đây là vấn đề đã nói nhiều, nhưng trước khi tìm được giải pháp đột phá chúng ta phải có bức tranh tổng thể về nguyên nhân ùn tắc giao thông”.

Thứ nhất, nguyên nhân do phương tiện giao thông tăng quá nhanh, ngoài mức dự kiến của TP Hà Nội. Chuyên gia này cho hay, năm 2008, Hà Nội mới có hơn 2 triệu xe máy, đến nay tăng lên gần 6 triệu xe máy. Với tốc độ tăng trưởng này chúng ta dự báo con số 11 triệu xe máy vào năm 2025. Bên cạnh đó, số lượng ôtô đã lên đến 600.000 xe chưa kể xe taxi, xe ngoại tỉnh.

Mặt khác, cơ sở hà tầng giao thông hiện nay tăng rất chậm. Thông thường, một đô thị trong quy hoạch phải có 22-25% diện tích đất  tự nhiên dành cho giao thông. Tuy nhiên, đến năm 2011, quy hoạch lập ra mới chỉ đạt 8-9% diện tích tự nhiên dành cho giao thông. Như vậy, chưa đạt 50% diện tích dành cho giao thông thông thường.

Theo ông Nghiêm, mặc dù nước ta đã chú trọng phát triển phương tiện công cộng, nhưng còn chậm chạp. Hiện nay, xe buýt mới giải quyết được 20% lưu lượng đi chung. 30 năm qua, chúng ta triển khai phương tiện công cộng rất chậm. Hà Nội đặt ra mức phấn đấu đến năm 2025 đạt 40% lưu lượng giao thông. Hiện, giao thông công cộng không đáp ứng yêu cầu nên giao thông cá nhân gia tăng là tất yếu.

Chuyên gia này nói thêm, dân cư gia tăng chóng mặt trong nội đô. Mặt khác, cả nước luôn mong đợi mô hình mới của Hà Nội là chùm đô thị có 5 đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện quy hoạch chưa phát huy được vai trò của đô thị vệ tinh.

“Để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề, chứ không chỉ tập trung vào hạn chế phương tiện giao thông", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn