MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn ở lái xe. Ảnh: Hải Nguyễn

Góp phần kéo giảm tai nạn giao thông

Đặng Tiến LDO | 30/12/2019 14:44

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực sẽ tác động rất lớn và tích cực về mặt an toàn giao thông vì việc siết chặt quản lý sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông góp phần kéo giảm tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối dư luận xã hội hiện nay. Tuy nhiên, kết quả cụ thể sẽ còn phụ thuộc vào công tác tổ chức thực hiện của lực lượng chức năng.

Uống có ý thức

Theo một khảo sát mới đây về các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia lái xe của Trung tâm nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức), tỉ lệ người đi xe máy gây tai nạn chiếm từ 70-90%. Còn thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, tỉ lệ tai nạn giao thông do vi phạm quy định nồng độ cồn tại Việt Nam thường dưới 5%.

Một nghiên cứu độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỉ lệ tai nạn giao thông nhập viện có liên quan tới rượu bia vào khoảng 36% trong những ngày thường. Đặc biệt vào các dịp cao điểm lễ tết, số nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện có liên quan tới rượu bia lên tới hơn 60%, phần lớn thương tật rất nặng. Trong đó, tỉ lệ tai nạn do nam giới gây ra là 80-90%, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích vẫn ở mức báo động vì việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông và các đợt khám sức khoẻ tập trung do ngành giao thông thực hiện, tỉ lệ còn thấp so với thực tế.

Sau một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới vi phạm quy định về nồng độ cồn và ma túy khi điều khiển phương tiện tại Long An và Hải Dương, Chính phủ và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã có những chỉ đạo quyết liệt. Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát Giao thông mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm quy định về ma túy.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia - Trần Hữu Minh - nói rằng, cần xác định rõ vấn đề “sử dụng rượu bia” và “sử dụng rượu bia khi lái xe” là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chúng ta hoàn toàn không cấm việc “sử dụng rượu bia”, nhưng “sử dụng rượu bia khi lái xe” thì bị cấm do gây mất an toàn cho xã hội và cho chính người vi phạm. Hiện 90% số người sau khi sử dụng rượu bia vẫn trực tiếp lái xe. Cùng đó, vẫn còn tình trạng nể nang hoặc ép uống rượu bia trước khi lái xe. Như vậy, có thể thấy về mặt bằng xã hội chưa có một quan điểm đúng đắn và đòi hỏi nghiêm khắc về việc đó. Những tập quán thói quen này là một thách thức rất lớn mà để giải quyết, chúng ta vừa phải kiên trì tuyên truyền sâu rộng vừa phải kiên quyết xử lý vi phạm.

Hiện nay, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông tại Việt Nam, đã gây ra những hậu quả nhức nhối trong xã hội. Chính bởi vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ghi rõ “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Cụ thể đã uống rượu, bia thì không được điều khiển các phương tiện giao thông. Đây là cơ sở để hoàn thiện các chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm. Do đó, luật sẽ có tác động rất lớn và tích cực về mặt ATGT. Tuy nhiên, kết quả sẽ còn phụ thuộc vào công tác tổ chức thực hiện.

Luật đã đủ sức răn đe

Trước việc các lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn, nhiều ý kiến đề xuất xử lý hành vi uống rượu bia lái xe như tịch thu phương tiện, treo bằng lái vĩnh viễn, hình sự hóa đối với hành vi uống rượu gây tai nạn nghiêm trọng. Hiện nay, lực lượng thực thi kiểm tra và xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn rất khó. Để xử phạt, đã có nhiều trường hợp không hợp tác, chống đối thậm chí hành hung lực lượng chức năng. Đây cũng là một trong những tồn tại làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực thi hành của luật xử lý vi phạm hành chính, suy giảm tính tôn nghiêm của pháp luật. Bởi vậy, cần bổ sung sửa đổi để tăng cường năng lực và quyền hạn cho lực lượng thực thi pháp luật có đủ quyền hạn và năng lực để ứng phó kể cả những trường hợp phức tạp nhất.

Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội), hành vi uống rượu bia gây tai nạn giao thông chỉ có thể xử lý với hành vi gây rối trật tự công cộng. Hiện quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu đã quy định rất rõ và đã đủ tính răn đe, nếu phạm tội vào các tội danh khác thì sẽ xử lý theo tội danh vi phạm về an toàn giao thông hoặc tội hình sự về tội cố ý gây thương tích nếu để xảy ra tai nạn…

Nhiều quan điểm cho rằng, khi lái xe vi phạm giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng xử phạt chủ xe hay doanh nghiệp thì chưa được chú trọng nhiều. Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng - Khúc Hữu Thanh Hải - cho rằng, hiện doanh nghiệp luôn kiểm tra, tuyên truyền và cấm lái xe sử dụng rượu bia trong quá trình làm việc. Cụ thể là kiểm tra chặt 2 đầu bến cấm không cho lái, phụ xe sử dụng bia, rượu xuất bến. Cùng đó, với chế tài xử phạt nặng như hiện nay, các lái xe cũng sẽ tự giác không dám sử dụng rượu bia khi làm việc. Đồng thời, quy trình quản lý lao động (lái xe) đã được giám sát chặt chẽ, nhưng cũng khó vì không thể giám sát lái xe 100% trên các tuyến hành trình. Việc đưa trách nhiệm của doanh nghiệp vào là đúng nhưng nếu đưa ra các chế tài xử lý thì cũng khó vì ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, lái xe cũng phải có ý thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn