MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế "xe ôm" ở Hà Nội.

Hà Nội đề xuất "xe ôm" phải đeo thẻ hoạt động vận chuyển, liệu có khả thi?

ANH THƯ LDO | 23/08/2019 16:14

Xung quanh đề xuất người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy... phải mang biển hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp, không ít ý kiến cho rằng cần thiết song để áp dụng vào thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa hoàn thành Dự thảo “Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Đáng chú ý, trong tờ trình của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có nêu: “Kể từ ngày 1.1.2021, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái".

Trao đổi về vấn đề này, bà Đinh Thị Thanh Bình - Đại học Giao thông Vận tải cho biết, hiện xe ôm, xe chở hàng chưa có quy định chặt chẽ, ngay ở  2 thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Việc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất quy định người điều khiển phương tiện này phải mang biển hiệu, bà Bình đánh giá, động thái ban đầu quản lý phương tiện này là hợp lý.

Theo chuyên gia này, đội ngũ người lao động tham gia loại hình kinh doanh quản lý bằng công nghệ như Grab, GoViet, xe giao hàng nhanh... dùng phần mềm kết nối ngày càng gia tăng. Dự kiến, loại hình này chắc chắn bùng nổ trong lương lai.

"Vì vậy, chính quyền không chú ý quản lý dẫn đến nhiều bất cập như thị trường rối loạn, cạnh tranh không lành mạnh, quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng...", bà Bình nhận định.

Theo vị này, để các quy định này có thể đi vào thực tế thì cần có những văn bản bổ sung, có lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần sự chuẩn bị kỹ càng về cả công tác quản lý nhà nước và nâng cao nhận thức của những đối tượng chịu tác động của các quy định này, để quá trình thực thi được hiệu quả.

Bàn về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy-nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, việc kiểm soát hoạt động của xe ôm, xe giao hàng là rất tốt. Nếu quy định trên được áp dụng, tất cả thông tin của xe ôm sẽ được các cơ quan chức năng kiểm soát.

Ông Thuỷ nói thêm, trước đây tại Hà Nội cũng từng có đề xuất huy động xe ôm vào một hợp tác xã sau đó thu thuế. Tuy nhiên, sau đó quy định này không được áp dụng vì vấp phải ý kiến phản đối của dư luận.  

"Hà Nội cũng nên cân nhắc việc quản lý xe ôm thời điểm này có cần thiết hay không. Bởi phần lớn xe ôm truyền thống đều là người không có việc làm ổn định, tận dụng thời gian rảnh rỗi…", ông Thuỷ nói.

Để đề xuất có thể khả thi trong cuộc sống, chuyên gia này cho rằng cần phải lấy ý kiến rộng rãi người dân và lực lượng lái xe - đối tượng chịu sự tác động.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, toàn thành phố có 5,2 triệu xe máy, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11 nghìn xe đạp điện, xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10-15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn