MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có cầu vượt nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn băng qua đường tùy tiện. Ảnh: PV

Hà Nội: Người dân "quay lưng" với cầu vượt, hầm đi bộ

H.Nguyên LDO | 24/08/2019 07:30

Mặc dù được đầu tư với chi phí khá lớn song đến nay, nhiều cầu vượt và hầm đi bộ trong nội đô Hà Nội vẫn bị người dân thờ ơ, không mặn mà sử dụng.

Trên địa bàn Hà Nội, tại các tuyến phố có lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông, hệ thống hầm và cầu bộ hành đã được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Tuy nhiên, dù được đưa vào sử dụng khá lâu nhưng nhiều người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng cầu hoặc hầm đi bộ để qua đường.

Theo thượng tá Nguyễn Ánh - nguyên Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội, nguyên nhân chính khiến người dân thờ ơ với hầm và cầu vẫn là ở ý thức kém, chưa nhận thức đúng về sự nguy hiểm khi đi bộ sai luật, cắt ngang dòng phương tiện.

Thêm nữa là do nhận thức của một số người chưa được cao, chỉ muốn đi nhanh qua đường mà không nghĩ đến hậu quả không chỉ với mình mà còn với người tham gia giao thông khác.

Một kiến trúc sư thuộc Hội Quy hoạch Hà Nội cho rằng, việc lựa chọn các vị trí đặt hầm hay cầu dành cho người đi bộ là một cố gắng của thành phố, khi vị trí đã có sự nghiên cứu, gắn kết với quy hoạch. Nhưng vấn đề đặt ra là sự an toàn, bởi lẽ thời gian qua, không ít đường hầm không được đảm bảo vệ sinh an toàn, xuống cấp, bị lấn chiếm bán nước, thậm chí có tệ nạn xã hội khiến người dân ngại đi lại.

Để các công trình hầm và cầu bộ hành hấp dẫn hơn với người dân thành phố, các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục vấn đề này như lắp đặt thêm biển chỉ dẫn từ xa, biển báo có đèn tại cửa hầm để người tham gia giao thông dễ nhận biết, đi lại thuận tiện hơn.

Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ trong hầm, không để người tụ tập trong hoặc trước cửa hầm. Chủ đầu tư, thi công cần đầu tư, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, thông gió, bảo đảm đủ ánh sáng, thông thoáng, an ninh, an toàn.

Anh Trần Tiến ở Long Biên, Hà Nội cho biết: Thực tế có một số cầu bộ hành khi đưa vào sử dụng đã không phát huy tác dụng hoặc sớm phải di dời để phục vụ thi công những công trình khác. Điều này cho thấy sự thiếu tầm nhìn xa của các nhà quy hoạch. Do đó, UBND Thành phố Hà Nội cần đặc biệt chú ý nhằm chặt chẽ hóa để nâng cao hiệu quả xã hội và hạn chế lãng phí từ khâu quy hoạch đến khâu triển khai xây dựng các dự án.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - ông Bùi Danh Liên - cho rằng, Hà Nội cần có sự quy hoạch chuyên ngành, quyết tâm làm theo quy hoạch để khớp nối với các công trình khác như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tuyến buýt nhanh BRT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn