MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Ảnh Trần Vương

Hà Nội thu phí vào nội đô: Chỉ giải quyết phần ngọn, chưa chắc giảm tắc đường

VƯƠNG TRẦN LDO | 14/09/2018 16:33
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc thu phí xe vào nội đô theo phương án đề xuất của Hà Nội chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần ngọn chứ chưa chắc giảm được việc tắc đường. Hơn nữa, không thể cứ ùn tắc là đổ tại người dân.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm cơ sở cho thành phố thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Trong văn bản, Hà Nội cho hay đang lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều người dân và dư luận. Trong khi các phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng và tính hấp dẫn với người dân, giải pháp thay thế cho phương tiện cá nhân gần như không có thì điều này càng khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn và lo lắng.

Lượng phương tiện đông đúc trên nhiều tuyến đường của thủ đô. Ảnh: Trần Vương

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông Vận tải - Bộ GTVT cho rằng: Trong khi chúng ta chưa có đủ phương tiện công cộng, sự hấp dẫn của các loại hình vận tải công cộng không cao mà tăng thêm phí, thuế với người sử dụng phương tiện cá nhân là không hợp lý.

Đặc biệt, phần đa số người lao động phải sử dụng phương tiện cá nhân của mình để mưu sinh, kiếm sống mà lại tăng phí là thiếu thiện ý. Chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề này một cách kỹ lưỡng. Việc tăng phí này có phải là phục vụ nhân dân không? Tôi cho rằng, việc này đang thiếu cả tính khoa học lẫn thực tiễn.

“Không phải việc gì cũng có thể đánh vào thuế phí như vậy được. Thay vào đó, thành phố cần tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các phương tiện công cộng sao cho thu hút người dân sử dụng. Đó mới là bản chất của vấn đề. Thu phí như vậy chỉ là phần ngọn, để người ta hạn chế thôi.

Khi phương tiện công cộng chưa đảm bảo, chưa hấp dẫn, người dân không có giải pháp thay thế ngoài việc sử dụng phương tiện cá nhân. Vậy thu thêm phí, cấm đoán thì họ sử dụng cái gì?”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, vấn đề ùn tắc giao thông được rất nhiều người quan tâm từ nhiều năm về trước. Các chuyên gia cũng đã đưa ra các ý kiến về việc phải phát triển phương tiện công cộng, tàu điện, đường sắt đô thị… Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển giao thông công cộng thì còn rất dang dở.

Theo đó, chỉ có thể hạn chế phương tiện cá nhân khi phương tiện công cộng đảm bảo được trên dưới 45% nhu cầu của người dân và việc triển khai này cần phải có lộ trình.

“Không thể cứ ùn tắc lại đổ trách nhiệm do người dân. Văn hóa giao thông chỉ là một trong những yếu tố phụ chứ không phải yếu tố chính dẫn tới ùn tắc. Nếu đường rộng, hè thoáng thì rõ ràng văn hóa giao thông sẽ khác đi” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn