MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè phố Quang Trung bị chiếm dụng gần như không còn kẽ hở cho người đi bộ, buộc người dân phải đi xuống lòng đường. Ảnh: Phạm Đông

Hà Nội: Trả vỉa hè cho người đi bộ, không làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi

PHẠM ĐÔNG LDO | 12/02/2023 12:46

Nhiều đoạn vỉa hè Hà Nội lát đá khang trang nhưng lại dùng để trông giữ xe, dừng đỗ ôtô nên mau hư hỏng, trong khi người đi bộ phải đi xuống đường.

Tràn lan vi phạm

Vỉa hè là để dành cho người đi bộ, nhưng tại Hà Nội, vỉa hè đang bị lấn chiếm sử dụng vào mục đích khác. Quan sát từ thực tế, nhiều đoạn vỉa hè ở Hà Nội như Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) đã và đang được trưng dụng làm bãi trông giữ xe, khiến người đi bộ không còn lối di chuyển, buộc phải xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông.

Việc cấp phép và tự mở các bãi giữ xe trên vỉa hè còn khiến lát đá tự nhiên hư hỏng sau thời gian ngắn, dù được đánh giá có độ bền vài chục năm. 

Tại quận Hoàn Kiếm, không khó để thấy tình trạng các hộ kinh doanh lấn chiếm ra vỉa hè, gây khó khăn cho việc lưu thông.

Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, Hà Nội không mở rộng không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tuy nhiên nhu cầu vui chơi giải trí và trông giữ phương tiện của người dân vẫn cao nên nhiều trường hợp đã bị "chặt chém".

Khi người dân đồng loạt phản ánh tình trạng trông giữ phương tiện sai quy định trên vỉa hè, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã ra quân xử lý các vi phạm.

Ôtô đỗ dày đặc trên vỉa hè, buộc người đi bộ phải len lỏi giữa các hàng ôtô trên phố Hai Bà Trưng. Ảnh: Phạm Đông

Không "đánh trống bỏ dùi”

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Dương Vân Phong, giảng viên cao cấp Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhận định, ở Hà Nội, người dân rất thích đi bộ để nâng cao sức khỏe nhưng phần lớn vỉa hè đều bị lấn chiếm. Nhiều người đi bộ đã bị những người người chiếm vỉa hè để kinh doanh, trông giữ xe la mắng nên đành đi xuống lòng đường.

Theo ông Phong, hè và đường phố được xây dựng bằng tiền thuế của người dân với mục đích phục vụ việc đi lại của người dân, chiếm dụng vỉa hè là sai mục đích xây dựng. Không có vỉa hè, người dân sẽ phải đi xuống lòng đường, mất an toàn cho cả người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông khác, tạo ra sự hỗn loạn, nhếch nhác, mất cảnh quan đô thị.

Do đó, ông Phong cho rằng thành phố cũng nên có các biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định, lấn chiếm vỉa hè buôn bán, kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm khi để vi phạm xảy ra.

"Việc lập lại trật tự lòng lề đường cần bỏ ngay kiểu chiến dịch, phong trào. Cứ rộ lên lấn chiếm thì ra quân dọn dẹp rồi thôi. Làm như vậy sẽ không bao giờ triệt để được, như bắt cóc bỏ đĩa. Không thể đánh trống bỏ dùi" - ông Phong nói.

Vỉa hè phố Phan Chu Trinh cũng dày đặc xe máy xếp hàng. Ảnh: Phạm Đông

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, quận sẽ từng bước thực hiện, tiến tới 100% vỉa hè trên địa bàn quận không để ôtô. 

UBND quận Hoàn Kiếm đã có thông báo về việc giải tỏa 11 điểm giao thông tĩnh (đỗ xe ôtô, trông giữ xe ôtô) trên hè phố đã cấp phép cho các tổ chức, cá nhân, thời điểm từ ngày 1.1.2023.

Một số điểm giao thông tĩnh bị giải toả, gồm: hè phố Trần Bình Trọng (đối diện số 5 - 15 phố Trần Bình Trọng); hè phố Phủ Doãn (đối diện số nhà 23-39;43 - 53 phố Phủ Doãn); hè phố Quán Sứ (đối diện số nhà 12 đến ngõ Hội Vũ, số 20 đến số 32, số 40 đến 46 phố Quán Sứ); hè phố Phan Chu Trinh (mặt bên số nhà 25 phố Trần Hưng Đạo); hè phố trước số nhà 33 phố Bà Triệu; hè phố Hàng Trống (đối diện số nhà 130); hè phố trước số nhà 6 phố Ngô Quyền; hè phố trước số nhà 49 phố Hai Bà Trưng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn