MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau gần 10 ngày có hiệu lực, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Ảnh: Cục CSGT

Hà Nội: Xử lý 359 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn

Phạm Đông LDO | 12/01/2020 12:35

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, trong hơn chục ngày ra quân, các đơn vị chức năng đã tập trung xử lý 359 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Ngày 12.1, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội cho biết, từ ngày 1.1 đến nay (12.1) thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, các đơn vị chức năng đã tập trung xử lý 52.671 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trong đó lực lượng cảnh sát giao thông đã tạm giữ 152 ôtô , 1777 môtô, 11.706 bộ giấy tờ, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2374 trường hợp. Một số hành vi vi phạm điển hình như: vượt đèn đỏ 4711 trường hợp; dừng, đỗ sai quy định 4472 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm 32.609 trường hợp; đặc biệt vi phạm nồng độ cồn 359 trường hợp. 

Thời gian tới Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ tiến hành triển khai một số giải pháp như tổ chức khảo sát nắm tình hình tuyến địa bàn, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn... để bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn dến ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tiếp đó, các lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Việc nghiêm cấm sử dụng rượu bia trước và trong khi tham gia giao thông. Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng sẽ bố trí các tổ tuần tra kiểm soát cơ động trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, quán bar, nhà hàng... các tuyến đường khu vực cửa ngõ thủ đô để phân luồng chỉ huy, điều khiển giao thông đảm bảo giao thông thông suốt. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm kiên quyết xử lý nghiêm đặc biệt là các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong một tuần ra quân xử phạt người vi phạm giao thông theo Nghị định 100, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 12,5 tỉ đồng.

Trước thông tin liên quan đến việc ăn hoa qua, sử dụng thuốc ho siro làm tăng nồng độ cồn, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đối với việc sử dụng hoa quả hoặc uống siro, Cục CSGT đã tổ chức hơn 150 lần lấy mẫu test đều cho ra kết quả không làm tăng nồng độ cồn.

Theo đó, nếu đo nồng độ cồn ngay sau khi ăn hoa quả hoặc uống siro, kết quả có thể cho lên tới 0,6 mg/lít khí thở, thậm chí trên 1 mg/lít khí thở. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2 đến 5 phút, nồng độ cồn sẽ không còn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn