MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai sẽ được mở rộng 50-60 m. Ảnh: Hữu Chánh

Hai dự án hơn 13.000 tỉ đồng kỳ vọng khơi thông cửa ngõ Tây Bắc Hà Nội

HỮU CHÁNH LDO | 25/02/2024 06:34

Mở rộng Quốc lộ 6, xây dựng tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là 2 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 13.300 tỉ đồng đang được Hà Nội triển khai, kỳ vọng giảm ùn tắc cửa ngõ Tây Bắc thành phố.

Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6

Quốc lộ 6 đi qua bốn tỉnh và thành phố là Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên, tổng chiều dài 478 km.

Đây được coi là "xương sống" nối Thủ đô với các tỉnh Tây Bắc. Tuy nhiên, đoạn tuyến qua Hà Nội khá hẹp, chỉ khoảng 7 m với hai làn xe, mặt đường gồ ghề, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn.

Trước thực tế trên, tháng 3.2022, Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai.

Công trình có chiều dài 21,7 km, điểm đầu tại km14 địa phận Ba La, quận Hà Đông; điểm cuối km38, kết thúc ở thị trấn Xuân Mai, tiếp giáp với huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Quốc lộ 6 đoạn qua Hà Nội chật hẹp, chỉ khoảng 7 m với hai làn xe. Ảnh: Hữu Chánh

Theo thiết kế, đoạn tuyến rộng 50-60 m, tốc độ thiết kế 80-100 km/h. Trên tuyến một cống hộp (cống Tuân) và bảy cầu gồm: Mai Lĩnh, Đồng Trữ, Tân Thượng, Quán Lát, Xuân Mai, Sông Bùi và Năm Lu.

Công trình có bốn nút giao chính, trong đó các nút giao khác mức (nơi có hai hoặc nhiều đường giao nhau nằm ở cao độ khác nhau) với Quốc lộ 21A, đường trục Bắc Nam và Vành đai 4...

Dự án khởi công tháng 12.2022, dự kiến hoàn thành sau 5 năm. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 8.112 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư.

Để thực hiện dự án, sẽ phải giải phóng mặt bằng khoảng 115 ha (quận Hà Đông 30 ha; huyện Chương Mỹ 85 ha); tái định cư hơn 990 hộ (quận Hà Đông 330 hộ, huyện Chương Mỹ 660 hộ)...

Trên công trường Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 hồi cuối năm 2023. Ảnh: Hữu Chánh

Theo đánh giá của chủ đầu, công tác giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn Ba La - Xuân Mai) chưa bảo đảm tiến độ, còn nhiều vướng mắc.

Chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng để dự án triển khai đúng kế hoạch.

Dự án góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối với Quốc lộ 21A, đường Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Vùng Thủ đô đang được triển khai; kỳ vọng khắc phục tình trạng ùn tắc, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ nói riêng và TP Hà Nội nói chung.

Ngoài ra, việc nâng cấp tuyến đường sẽ tăng cường liên kết, giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) và nước bạn Lào.

Đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình

Tháng 10.2023, Hà Nội khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, dự án có chiều dài khoảng 6,7 km, mặt cắt ngang 120-180 m.

Điểm đầu của dự án. Ảnh: Hữu Chánh

Điểm đầu kết nối với nút giao hoa thị giữa Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21 tại xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất). Điểm cuối (Km6+700) kết nối với Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất).

Trên tuyến có 4 công trình cầu (vượt sông, đường ngang) và 5 công trình hầm (1 hầm chui trực thông dọc tuyến chính phục vụ thành phần đường cao tốc và 4 hầm chui dân sinh ngang đường).

Tổng mức đầu tư của dự án là 5.249 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và trung ương hỗ trợ. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2026.

Quốc lộ 21 nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Hữu Chánh

UBND TP Hà Nội đánh giá việc triển khai dự án trên rất cấp thiết và quan trọng, nhằm thực hiện các quy hoạch kết nối giao thông đường bộ của quốc gia và của thành phố.

Đồng thời, cải thiện điều kiện khai thác, bảo đảm an toàn giao thông, kết nối các tỉnh phía Tây Bắc với Thủ đô, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Công trình sau khi hoàn thiện sẽ tạo động lực phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây; hình thành điều kiện đáp ứng hạ tầng kỹ thuật giao thông thành phố phía Tây trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn