MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hầm chui 700 tỉ vừa thông đã tắc: Cần tính toán, tổ chức lại giao thông

HỮU CHÁNH - VĨNH HOÀNG LDO | 05/10/2022 15:18
Hà Nội - Hầm chui Lê Văn Lương sau khi thông xe được khoảng 20 phút đã xuất hiện ùn tắc kéo dài hàng trăm mét, nhiều lái xe bất chấp quay đầu đi ngược chiều để thoát khỏi hầm. Các chuyên gia cho rằng, nơi đây cần tổ chức giao thông hợp lý để tránh tình trạng giải tỏa được chỗ này lại dồn ùn tắc sang chỗ khác.

Ùn tắc cục bộ

Sáng nay (5.10), hầm chui Lê Văn Lương chính thức được thông xe sau 2 năm khởi công xây dựng. Theo đó, khoảng 7h30, lực lượng chức năng bắt đầu cho xe cộ đi lại một chiều hướng Tố Hữu - Lê Văn Lương. Chiều hầm còn lại thông xe sau 9h.

Sáng nay (5.10), hầm chui Lê Văn Lương chính thức được thông xe.

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, sau khi hầm chui này được thông xe, nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân trở thành điểm nóng ùn tắc, xung đột giữa các phương tiện.

Đến gần 8h, hàng loạt xe cộ kéo dài hàng trăm mét và phải nhích từng chút ở dưới hầm chui. Lo lắng phải chờ đợi lâu, nhiều tài xế bất chấp quay đầu đi ngược chiều lên miệng hầm để lưu thông theo hướng khác. 

Anh Trần Hữu Thắng (28 tuổi, La Khê, Hà Đông) cho biết, người dân rất mong chờ hầm chui được thông xe bởi tuyến đường này từ lâu đã trở thành điểm đen về giao thông. Tuy nhiên, anh Thắng lo ngại tình trạng ùn ứ giao thông sẽ xuất hiện nhiều hơn tại các nút giao lân cận.

"Khi các phương tiện di chuyển từ Khuất Duy Tiến rẽ phải vào Lê Văn Lương bị gặp nút thắt cổ chai thì bị dừng và ùn lại. Đồng thời hai nút đèn đỏ phía trên là nút giao với Nguyễn Chánh và Hoàng Đạo Thúy thường xuyên xảy ra xung đột giao thông, khiến cho tuyến đường này luôn trong tình trạng đông đúc và ùn ứ", anh Thắng nói.

Hàng loạt xe kéo dài hàng trăm mét và phải nhích từng chút ở dưới hầm chui Lê Văn Lương.

Còn chị Lê Thị Liên (30 tuổi, Yên Hòa, Cầu Giấy) phải mất gần 30 phút mới có thể di chuyển qua nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương để đến công ty trong ngày đầu tiên hầm chui thứ 4 ở Hà Nội đi vào hoạt động.

"Thời điểm hầm chui Lê Văn Lương chưa thông xe, tôi chỉ mất khoảng 10 phút để có thể di chuyển qua nút giao này. Hôm nay tôi thấy mệt mỏi khi di chuyển qua đây, bởi áp lực giao thông quá lớn", chị Liên nói.

Chị Liên cho biết thêm, nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian tới mà không có phương án phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý, chị sẽ phải lựa chọn tuyến đường khác để tránh cảnh ách tắc.

Cần đồng bộ năng lực giao thông

Trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương nhiều năm qua trở thành một trong những trục chính đô thị có lưu lượng giao thông vào loại lớn nhất của Hà Nội. Không gian lưu thông chật chội, quá tải áp lực nhiều năm qua khiến trục đường này thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc trầm trọng, đặc biệt là giờ cao điểm hay khi mưa lớn.

Theo các chuyên gia giao thông, hầm chui Lê Văn Lương đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông cho nút giao với Vành đai 3, phát huy tác dụng rất lớn cho cả khu vực.

Tuy nhiên, mặt trái sẽ đẩy áp lực giao thông về hai phía. Dòng chảy phương tiện sẽ tiến sát nút giao xung quanh hầm chui Lê Văn Lương với tốc độ nhanh và đông hơn rất nhiều. Trong khi khả năng tiếp nhận, giải tỏa áp lực của nút giao này lại cực kỳ khiêm tốn.

Do đó, chuyên gia giao thông cho rằng, cần có tính toán, tổ chức giao thông hợp lý để khai thác được tối đa hiệu quả, tránh dồn áp lực giao thông khi giải tỏa chỗ này lại dồn ùn tắc sang chỗ khác.

Dòng chảy phương tiện sẽ tiến sát nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám với tốc độ nhanh và đông hơn rất nhiều.

Ông Phạm Trọng Nhi, Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình giao thông 2 nhận định, nút giao Tố Hữu - vành đai 3 có mật độ giao thông rất đông. Khi hầm chui thông xe sẽ giải tỏa được nút giao thông này, chứ không làm giảm được tình trạng ùn tắc trên toàn tuyến.

"Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu có nhiều ngã ba, lòng đường khá hẹp, lại có làn dành riêng cho xe buýt BRT. Do đó, việc lưu thông qua hầm chui nhanh hơn thì các khu vực lân cận như Hoàng Minh Giám, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Trung Văn, Vũ Trọng Khánh… sẽ có thể gánh chịu áp lực giao thông lớn hơn", ông Nhi nói.

Ông Nhi cho biết thêm, sau khi hầm chui được thông, đơn vị sẽ đánh giá tình hình giao thông tại các nút giao cận để có phương án tổ chức giao thông hợp lý.

Theo chuyên gia, rất cần tính toán trước phương án đồng bộ năng lực lưu thông cho khu vực này với những hướng dẫn cụ thể.

Cùng trao đổi, TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông đô thị cho biết, cần tính toán trước phương án đồng bộ năng lực lưu thông cho khu vực này với những hướng dẫn cụ thể.

Theo ông Bình, trước hết trong giai đoạn đầu, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần hướng dẫn cho người dân về hướng đi, cách thức di chuyển ở khu vực nút giao này.

"Khi luồng giao thông ổn định rồi tiến hành kiểm đếm phương tiện, đo lường thời gian chờ tại từng nút giao thông theo từng hướng để có phương án điều chỉnh đèn tín hiệu để giảm thời gian chờ đợi", ông Bình nói.

Một số hình ảnh Lao Động ghi nhận sáng nay:

Khoảng 7h30 sáng nay (5.10), hầm chui Lê Văn Lương chính thức được đưa vào sử dụng.
Nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu - Khuất Duy Tiến là một trong những điểm đen ùn tắc ở Hà Nội.
Trong buổi sáng ngày đầu thông xe, hầm chui Lê Văn Lương ùn tắc kéo dài theo chiều từ Tố Hữu vào nội đô.
Gần 1 tiếng đồng hồ, từng đoàn xe nhích từng chút một để qua hầm.
Nhiều xe đã quay đầu đi hướng ngược lại khi thấy có hiện tượng tắc đường phía bên kia hầm hướng Tố Hữu đi Lê Văn Lương.
Không ít người ngán ngẩm khi đi qua hầm chui 700 tỉ này.
Hai tuyến đường dưới và trên hầm chui Lê Văn Lương đều tắc cục bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn