MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Trần Khánh Dư trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tĩnh không khoảng 2 m cản trở tuyến du lịch đường thủy. Ảnh: Minh Quân

Hàng loạt cầu thấp cản trở giao thông thủy TPHCM

MINH QUÂN LDO | 07/03/2023 12:45

TPHCM - Nhiều cây cầu bắc qua sông, kênh rạch ở TPHCM tĩnh không thấp đang ảnh hưởng lớn nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hành khách.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình đang được khai thác tuyến du lịch đường thủy nội đô. Tuy nhiên, nhiều cầu dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như Bùi Hữu Nghĩa, Trần Khánh Dư... tĩnh không khoảng 2 m, khiến hoạt động du lịch bị cản trở lớn.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho biết kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo rất tốt nhưng các cầu bắc qua kênh này lại được xây quá thấp nên khi tàu thuyền qua cầu Trần Khánh Dư, khách phải xuống hầm để quản lý thuyền tháo lan can, mới qua được. Những lúc nước lên, tàu thuyền không thể qua lọt gầm cầu.

“Khi đầu tư xây cầu, nhà đầu tư sợ tốn kém nên xây cầu thấp khiến giao thông toàn tuyến bị đứt đoạn, nhất là đoạn rạch Thị Nghè ra đến sông Sài Gòn - nơi có cảnh quan đẹp và nhiều di tích lịch sử. Bây giờ, muốn phát triển đường thủy thì phải tính đến chuyện xây dựng lại các cây cầu này một lần nữa, rất tốn kém” – ông Mỹ nói.

Cầu Bông trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xây mới nhưng tĩnh không cũng thấp. Ảnh: Minh Quân

Tương tự, ở phía Nam TPHCM, cầu Rạch Dơi, Rạch Đĩa, Long Kiểng... trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), hiện mỗi khi triều cường lên mặt nước chỉ cách gầm cầu chừng một mét nên chỉ thuyền, ghe nhỏ mới có thể đi qua.

Theo ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, tuyến đường thủy từ rạch Bến Nghé - kênh Tẻ - sông Ông Lớn - rạch Đỉa - sông Phú Xuân, từ trung tâm thành phố ra các quận, huyện ngoại thành phía Nam rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư tuyến đường thủy này nhưng chưa thực hiện được do vướng tĩnh không thông thuyền cầu Rạch Đĩa.

“Cầu Rạch Đĩa có tĩnh không quá thấp (dưới 2m) nên các phương tiện đường thủy không thể đi qua. Do đó, khi nào cầu Rạch Đỉa xây mới, nâng tĩnh không lên cao thì tuyến giao thông thủy phía Nam mới có thể thực hiện” - ông An giải thích thêm.

Cầu Rạch Đĩa (huyện Nhà Bè) tĩnh không thấp cản trở tuyến giao thông thủy phía Nam TPHCM.  Ảnh: Minh Quân

Cũng trong tình cảnh tương tự, một tuyến giao thông đường thủy khác có vai trò khá quan trọng trong vận tải hàng hóa phía Đông TPHCM cũng bị “lụy” cầu.

Đó là tuyến giao thông từ sông Rạch Chiếc - rạch Trau Trảu - rạch Ông Nhiêu - sông Tắc (Thành phố Thủ Đức) hiện cũng chưa được đầu tư khai thác. Nguyên nhân là tuyến đường thủy này vướng tĩnh không thông thuyền ở công trình cầu - đập Nam Lý.

“Hiện cầu Nam Lý đang được xây dựng mới. Khi nào công trình này hoàn thành thì tuyến đường thủy trên mới có thể đầu tư, đưa vào khai thác” - ông An cho hay.

Trước đó, điểm nghẽn tuyến đường thủy cũng trên sông Sài Gòn đã được khơi thông khi cầu Bình Lợi cũ được tháo dỡ, thay bằng cầu Bình Lợi mới. Từ đó các tàu thuyền đi theo tuyến các tỉnh miền Tây - TPHCM - Đông Nam Bộ và ngược lại thuận lợi hơn. Trước đây, mỗi ngày có đến hàng chục tàu, sà lan trọng tải lớn, độ cao trên 3m phải neo đậu rải rác quanh khu vực cầu này chờ con nước xuống.

Tuy nhiên, cầu Bình Triệu 1 cách đó vài trăm mét hiện có tĩnh không thấp khi chỉ đạt 5,5 m, không đảm bảo tĩnh không theo quy hoạch 7 - 9,5 m, làm ảnh hưởng đến năng lực vận tải.

Cầu Bình Triệu 1 sắp được chi hơn 133 tỉ đồng nâng tĩnh không lên 7 m. Ảnh: Minh Quân

Theo Sở GTVT TPHCM, trong kế hoạch phát triển đường thuỷ giai đoạn 2020-2050, ước tính cần hơn 21.000 tỉ đồng đầu tư. 

Dự kiến, TPHCM sẽ nạo vét nhiều luồng tuyến, xây cầu mới hoặc nâng tĩnh không hàng loạt cây cầu thấp. Trong đó, hai cầu Bình Phước 1 và Bình Triệu 1 bắc qua sông Sài Gòn sắp được nâng tĩnh không lên 7 m, tổng kinh phí khoảng 244 tỉ đồng, triển khai năm nay và hoàn thành năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn