MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ trong mấy đợt mưa đầu mùa, tại Điện Biên đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở với hàng trăm nghìn khối đất đá vùi lấp mặt đường. Ảnh: Quang Huy

Hàng trăm nghìn khối đất đá sạt lở, Điện Biên yêu cầu ứng trực 24/24h

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 16/07/2024 09:44

Trong 3 đợt mưa lũ gần đây, tại tỉnh Điện Biên đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở ta luy dương, hàng trăm nghìn khối đất đá vùi lấp mặt đường và cống, rãnh thoát nước.

Chỉ trong 3 đợt mưa đầu mùa, tại tỉnh Điện Biên đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở ta luy dương khiến hàng trăm nghìn khối đất đá vùi lấp mặt đường và cống, rãnh thoát nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong vài ngày tới, Điện Biên vẫn nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao với lượng mưa từ 15-30mm/24 giờ, cục bộ có nơi trên 80mm/24 giờ (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Sáng 16.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Bùi Thanh Hiếu - Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Điện Biên cho biết, từ đầu mùa mưa, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xay ra nhiều đợt mưa lớn, kéo dài xảy ra lũ ống, sạt lở đất. Đặc biệt là các đợt mưa từ ngày 9-11.5; từ ngày 1-20.6 và đợt mưa từ 1-8.7.

1 điểm sạt lở tại Km1+500 trên Đường tỉnh 140.

Theo đó, tổng khối lượng sạt lở ta luy dương, tràn lấp nền mặt đường được xác định khoảng 90.800m3; tổng khối lượng đất, bùn bồi lấp cống, rãnh dọc là 14.300m3. Ngoài ra, mưa lũ còn làm sạt 180m ta luy âm; xói lở 170m lề đường và hư hỏng 220m2 mặt đường.

Để kịp thời xử lý các tình huống, sự cố có thể xảy ra trên các tuyến đường, ngay từ đầu năm, Sở GTVT Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; không để xảy ra tình trạng giao thông ách tắc kéo dài.

Mưa lớn kéo dài gây sạt lở khiến hàng trăm khối đất đá tràn ra đường.

Trong trường hợp xảy ra sự cố phải thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để đảm bảo khắc phục nhanh nhất.

Cùng với đó, Sở GTVT Điện Biên đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ngành GTVT. Trong đó nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của ban chỉ huy trong việc tham mưu cho Giám đốc Sở GTVT thực hiện nhiệm vụ được giao về PCTT&TKCN.

"Từ ngày 15.4 đến hết ngày 31.10.2024 các đơn vị quản lý đường sẽ bộ tập trung máy móc, nhân lực, vật tư dự phòng trực đảm bảo giao thông 24/24h để kịp thời xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra", ông Hiếu nói.

Điểm sạt lở xảy ra tại Km473+400 trên Quốc lộ 6.

Còn ông Trần Quang Huy - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ 226 cho biết, đối với các tuyến đường đơn vị được giao quản lý, đảm bảo giao thông hiện nay đều có người và phương tiện ứng trực 24/24h tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao.

"Khi xảy ra sự cố sạt lở, thông thường chỉ trong khoảng 20-30 phút chúng tôi sẽ huy động phương tiện máy móc đến hiện trường. Tuy nhiên, có trường hợp không thể xử lý ngay mà vẫn phải theo dõi, đánh giá xem còn nguy cơ sạt lở tiếp không. Khi vết sạt ổn định mới tiến hành xử lý vì đảm bảo an toàn là trên hết" - ông Huy nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn