MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đơn vị chức năng đang gấp rút đào tạo lái tàu cho tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông

Hình ảnh bên trong nơi đào tạo 50 lái tàu cho tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội

PHẠM ĐÔNG LDO | 24/02/2024 17:45

Các đơn vị chức năng đang tiến hành đào tạo thực tế 50 lái tàu cho tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Các học viên sẽ lái 3.000 km trên tuyến trước khi được cấp chứng chỉ.

Dự kiến tuyến đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao từ Depot đến ga S8) sẽ được vận hành vào tháng 6.2024. Do đó, Ban Quản lý Metro Hà Nội (MRB) đang gấp rút đào tạo thực tế (RAMP-UP) cho các học viên lái tàu, do Tư vấn Hỗ trợ vận hành thực hiện.

Đối với loại hình đường sắt đô thị, đội ngũ nhân sự lái tàu có vai trò quan trọng, đảm bảo vận chuyển hàng nghìn hành khách trong điều kiện an toàn, đúng giờ và thoải mái nhất. Tổng số nhân sự tham gia đào tạo lái tàu của dự án là 50 người. Trong đó vị trí lái tàu là 38 người, vị trí lái thử tàu, dồn tàu là 12 người.

Dự kiến tuyến Metro này sẽ vận hành thương mại vào tháng 6.2024 nên 50 học viên lái tàu có khoảng 4 tháng để hoàn thiện chuyên môn. Ảnh: Phạm Đông

Khóa đào tạo thực tế (RAMP-UP) lần 2 sẽ được thực hiện từ 8h - 16h, kéo dài đến khi bắt đầu giai đoạn vận hành thử. Công tác vận hành thử (Trial Run) là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa dự án vào vận hành.

Đào tạo thực tế (RAMP-UP) được chia làm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1: Tập trung các nhân sự vận hành (nhân sự thuộc phòng điều khiển OCC và nhân sự thuộc tổ lái tàu), đây là 2 tổ nhân sự quan trọng để đảm bảo việc vận hành tàu an toàn và hiệu quả.

Nhật ký lái tàu của các học viên. Ảnh: Phạm Đông
Sau khi được trang bị bảo hộ và nắm vững các quy tắc an toàn, học viên bước vào buồng lái để trực tiếp vận hành đoàn tàu. Ảnh Phạm Đông

Giai đoạn 2: Tất cả các nhân sự còn lại là các nhân sự phòng điều khiển OCC và đội lái tàu sẽ phối hợp với các nhân sự vận hành nhà ga cũng như các nhân sự thuộc tổ bảo trì bảo dưỡng.

Khóa đào tạo thực tế RAMP-UP lần 2 bao gồm: đào tạo nhà ga, đào tạo lái tàu và đào tạo phòng điều khiển - OCC.

Đào tạo nhà ga bao gồm các vị trí: Trưởng khu ga, trưởng ca, nhân viên quản lý tổng hợp, nhân viên vé, nhân viên phụ trách an toàn.

Đào tạo lái tàu bao gồm các vị trí: trực ban, lái tàu, quản lý kỹ thuật lái tàu.

Chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, đào tạo các học viên. Ảnh: Phạm Đông

Đào tạo phòng điều khiển - OCC bao gồm các vị trí: Trưởng OCC, nhân viên điều độ chạy tàu, nhân viên điều phối điện, nhân viên giám sát tín hiệu, nhân viên điều độ - kiểm soát môi trường…

Các học viên sẽ lái 3.000 km trên tuyến trước khi được cấp chứng chỉ.

Hầu hết các lái tàu đều đã sẵn sàng cho việc vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông

Ông Benoit Picout - chuyên gia đào tạo lái tàu của Systra - cho biết, các lái tàu đã trải qua 7 đợt tập huấn và lần này là đợt cuối cùng, kéo dài 15 ngày. Hiện đang tập trung đào tạo về các quy định an toàn khi vận hành cho các học viên. Để đảm bảo an toàn cho lái tàu cũng như hành khách, công tác vận hành an toàn được đặc biệt lưu tâm.

Vận hành đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2024. Ảnh: Phạm Đông

“Quá trình đào tạo cũng như tổ chức thi cho các lái tàu được diễn ra hết sức chặt chẽ. Trước khi đưa tàu vào chạy thử, các lái tàu phải thực hiện thuần thục tất cả thao tác vận hành cũng như kỹ năng xử lý tình huống” - ông Benoit Picout thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn