MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng mới được thông xe gần đây. Ảnh: Phạm Đông

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sức bật cho Hà Nội phát triển

PHẠM ĐÔNG LDO | 21/01/2023 07:25

Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Để góp phần giảm ùn tắc giao thông, thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước.

Phát triển kết cấu hạ tầng là trọng tâm quan trọng 

Trong năm 2022, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã phối hợp với các ngành giải quyết được 8/35 điểm ùn tắc và 18/26 “điểm đen” về tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Hoàn thành 43 dự án cải tạo, sửa chữa để nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng giao thông.

Một số dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác như hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng… đã góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 tại Sở GTVT Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, năm 2023 thành phố sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông.

Trong đó, nhóm giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được xác định là trọng tâm quan trọng đầu tiên. 

Đường phố Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ảnh: Phạm Đông

Có thể thấy, giao thông Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày một tăng.

Có ý kiến cho rằng, thành phố cần tiếp tục rà soát tạo động lực mới, nguồn lực mới. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng, các tuyến đường vành đai để tạo ra không gian phát triển mới, nguồn lực mới.

Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, trước mắt, thành phố cần tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư hình thành một cách hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung.

Việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần được xác định là khâu đột phá.

Hà Nội cần đầu tư để cơ bản khép kín các tuyến đường Vành đai; 1, 2, 2,5, 3, 3,5, 4, 5... Trong đó, bao gồm việc xây dựng các cầu vượt sông Hồng và sông Đuống như Thượng Cát, Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2)…

Tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp cao ốc và phương tiện. Ảnh: Phạm Đông

Ông Liên cho hay, để có nguồn lực thực hiện mục tiêu, thành phố cần rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng theo từng giai đoạn.

Đồng thời xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn ODA, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng, huy động nguồn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT...), xã hội hóa đầu tư phục vụ thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch.

Thúc đẩy sự phát triển của các đô thị trong vùng

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, Hà Nội đang phát triển theo xu hướng chùm đô thị, với hạt nhân trung tâm là khu vực lõi bên trong Vành đai 4 và 5 đô thị vệ tinh xung quanh, cùng với sự tương hỗ của các đô thị thuộc tỉnh, thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên…

Ông Thắng cho rằng, vai trò đô thị trung tâm của Hà Nội được quyết định trước hết bởi vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là nơi có hệ thống giao thông thuận tiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của chính nó, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác trong vùng.

Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng để giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Phạm Đông

Để giảm thiểu ùn tắc, tạo sức bật cho Hà Nội phát triển, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trong năm 2023 sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển ngành.

Tăng cường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý.

Ông Thường cũng nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm.

Trong đó, hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội và các dự án trọng điểm để phục vụ nhu cầu của nhân dân, tăng khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn