MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh đi xe máy đến trường: Chế tài chưa đủ răn đe?

Tiến Nguyễn LDO | 15/11/2019 15:53

Việc học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là tình trạng không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng diễn ra thường xuyên, nhưng các cơ quan chức năng đang gặp khó trong công tác xử lý.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Theo một cán bộ đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an TP.Hải Phòng): Hiện nay, tình trạng học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc đến trường diễn ra khá phổ biến.

Do việc điều khiển phương tiện xe máy dưới 50cc không đòi hỏi người cầm lái phải giấy phép lái xe nên các em không được học Luật Giao thông, nên thường xuyên vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Điển hình nhất là các lỗi như đi ngược chiều, lấn làn, đi vào làn đường dành riêng cho ô tô và nhất là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các phương tiện này lại gặp rất nhiều khó khăn. Theo điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.

Thực tế có rất nhiều học sinh dưới 16 tuổi đã đi xe gắn máy dưới 50cc đến trường và vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ. Thế nhưng, chế tài xử lý hiện còn rất nhiều bất cập.

Theo Điều 21 Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô

Như vậy, dưới 16 tuổi điều khiển phương tiện vi phạm sẽ không bị phạt tiền mà chỉ bị phạt cảnh cáo, cảnh cáo bằng văn bản và ra Quyết định xử phạt; Còn từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải nộp 50% tiền phạt áp dụng với người thành niên.

Coi trọng giáo dục gia đình

Đại úy Trần Ngọc Trung, Đội Phó phụ trách Đội cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội), cho biết: Ở đây, vấn đề nằm ở ý thức của các em và sự giáo dục từ phía gia đình các em. Ra đường, ngồi lên xe bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, đó là bảo vệ mình và bảo vệ những người tham gia giao thông khác. Thế nhưng, một số phụ huynh không nhắc nhở các em, không có biện pháp giáo dục các em, vi phạm lỗi bị nhà trường, cơ quan công an gửi văn bản cảnh cáo về, nhưng rồi đâu lại hoàn đó.

"Ý thức tham gia giao thông của các em vẫn là quan trọng. Để có được điều này chúng ta phải rèn luyện cho các em ở mọi lúc, mọi nơi. Trong đó có trường học, gia đình và cả xã hội. Thời gian qua, trên cơ sở ký kết tuyên truyền giữa Phòng Cảnh sát giao thông với sở Giáo dục Hà Nội, Đội Cảnh sát giao thông số 6 cũng thực hiện nhiều giải pháp để giúp các em hiểu hơn về Luật giao thông, tác hại khi tham gia giao thông không đúng Luật, đồng thời giúp các em biết cách giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc khi tham gia giao thông đường bộ" - Đại úy Trung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn