MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chậm trễ đã hơn 4 năm nhưng vẫn chưa biết khi nào đưa vào khai thác.

Hơn 4 năm chậm trễ, 28% nhân viên bỏ việc

ĐẶNG TIẾN - VIỆT LÂM LDO | 18/11/2019 16:11

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10.2011, dự kiến chạy thử và khai thác từ 30.6.2015. Nhưng đến nay sau nhiều lần lỡ hẹn dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại dẫn đến thu nhập của người lao động thấp và rất nhiều người đã phải xin nghỉ việc.

Chỉ là lao động phổ thông

Ngày 15.11 vừa qua, trả lời tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND khóa XV về việc chậm tiến độ tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và thời gian vận hành thương mại của tuyến này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để chuẩn bị tiếp nhận và vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông, TP.Hà Nội đã tuyển dụng, đào tạo gần 1.000 lao động, trong đó hơn 200 người được đào tạo tại Trung Quốc. Nhưng do dự án chậm tiến độ, 28% công nhân, nhân viên của dự án đã bỏ việc, khiến thành phố gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, phần lớn đều là vị trí lao động phổ thông (không có trường hợp lái tàu nào xin nghỉ việc) và đã được đơn vị tuyển dụng, đào tạo bổ sung. Hiện tại, bộ phận nhân sự kỹ thuật đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng khai thác, vận hành dự án. Cũng theo ông Hồng, tổng nhân sự làm việc trên tuyến hiện nay là 681 người, làm việc 21 trung tâm và các bộ phận làm việc 3 ca liên tục (chưa tính nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga). Trong đó, 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng như: Quản lý lái tàu; quản lý nhà ga; sửa chữa công trình; vật tư; thiết bị nhà ga; điện lực; thông tin tín hiệu; đường ray; đầu máy toa xe... và hưởng mức lương cơ bản vùng I là 4.180.000đ/người/tháng. “Phần lớn số lao động nghỉ việc thuộc giai đoạn đầu của dự án, khi đó khó khăn nên người lao động chỉ được hỗ trợ tiền ăn, nên họ đã nghỉ việc” - ông Trường cho biết.

Một lần chạy thử của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đại diện Công đoàn cơ sở (CĐCS) Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động đã giải thích rằng số lao động đã nghỉ việc đều là những lao động phổ thông và họ nghỉ rải rác từ khi dự án tuyển dụng đến nay (2015-2019), chứ không phải nghỉ ồ ạt trong thời gian gần đây.

Khi phóng viên nêu vấn đề, có phải do dự án chậm đi vào hoạt động nên ảnh hưởng đến thu nhập, tâm lý của NLĐ… dẫn đến họ nghỉ việc hay không?

Đại diện CĐCS cho biết, sau thời gian được đào tạo và chưa ký hợp đồng lao động nên đến nay cũng có nhiều người nghỉ việc, bởi nhiều nguyên nhân như NLĐ phải chờ đợi công việc quá lâu, có cơ hội chọn việc khác với mức thu nhập cao hơn… và phần lớn trong số đó là lao động với ngành nghề đơn giản, không đòi hỏi chuyên sâu như hướng dẫn hành khách, phục vụ tại ga, nhân viên vé, lái xe… Và họ nghỉ rải rác từ năm 2015 đến trước tháng 3.2019, với số lượng khoảng gần 180 người. Trong số những người nghỉ việc không có lái tàu, cán bộ kỹ thuật cao,

Thời gian qua, Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng đã chủ động tuyển dụng bổ sung thay thế cho những trường hợp nghỉ để đảm bảo cho quá trình đào tạo cũng như vận hành thử theo kế hoạch của Dự án. Hiện tại số nhân sự của Dự án vẫn đảm bảo đủ để đáp ứng theo yêu cầu.

“Hiện nay công trình chưa được khai thác theo kế hoạch tiến độ do một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý của NLĐ. Ban Chấp hành CĐCS cũng nắm được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và có các biện pháp tuyên truyền, hoạt động thăm hỏi, động viên mỗi khi đoàn viên gặp phải hoàn cảnh khó khăn, hoặc tặng quà cho họ vào những dịp lễ, Tết. Trong đó, CĐ tuyên truyền, vận động NLĐ cần cố gắng chờ đợi, chia sẻ khó khăn cùng Cty. Trong thời gian tới, khi công trình chính thức được đưa vào hoạt động thì các chế độ lương, thưởng của NLĐ sẽ được hưởng ở mức độ khác - theo đúng vị trí, chức danh công việc - thu nhập sẽ cao hơn so với hiện nay” - đại diện CĐCS Cty cho biết.

Vì sao chưa thực hiện chạy tàu theo kế hoạch

Đại diện Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng cho biết, hiện việc chạy 20 ngày theo kế hoạch vẫn chưa được triển khai vì trước khi vận hành đoàn tàu chính thức phải có đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được thực hiện độc lập bởi liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc (Pháp) và được Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật. Đồng thời phải được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối mới có thể đưa vào khai thác vận hành chính thức.

Công nhân làm việc tại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: TÔ THẾ

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT), hiện đơn vị tư vấn độc lập ACT (Pháp) áp dụng tiêu chuẩn EN 50126 để đánh giá, tương đồng với tiêu chuẩn GB/T21526-2008 của Trung Quốc đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Nhưng tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ an toàn và các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất, dẫn đến chưa đủ cơ sở để đánh giá an toàn đoàn tàu về hệ thống phanh điện và sức kéo. Đồng thời hiện một số hồ sơ, hạng mục chưa đồng bộ trong khi đây là yêu cầu bắt buộc. Cùng đó, Cục Đăng kiểm đã kiểm định 13 đoàn tàu đạt 98%, nguyên nhân đơn vị chưa hoàn thành việc kiểm định phương tiện do vẫn phải chờ tổng thầu cung cấp các hồ sơ thiết bị.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu từ ga Cát Linh, điểm cuối đến ga Yên Nghĩa. Chạy dọc theo tuyến là 12 nhà ga trên cao gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa. Dự án có 13 đoàn tàu, trong quá trình vận hành sẽ sử dụng thường xuyên 10 đoàn, 2 đoàn bảo dưỡng và một đoàn dự phòng. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80m, sức chở gần 1.000 khách, vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc khai thác thương mại 35km/giờ. Các đoàn tàu chạy bằng điện, với thiết kế tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn