MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp dụng công nghệ kiểm soát việc "di chuyển xanh". Ảnh: Phạm Đông

Kiểm soát di chuyển "xanh" thế nào khi mở lại vận tải hành khách?

Phạm Đông - Việt Dũng LDO | 01/10/2021 08:05
Bộ GTVT vừa đề xuất một kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chuyên gia giao thông cho rằng, vận tải hàng hóa có “luồng xanh” để duy trì hoạt động thì cũng cần có một “luồng xanh”, "di chuyển xanh" tương tự cho vận tải hành khách.

Đồng bộ các giải pháp khi tổ chức lại vận tải hành khách

Nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải khách phù hợp với từng bước nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đưa ra dự thảo lần 2 kế hoạch tổ chức với 5 lĩnh vực vận tải.

Liên quan đến việc các phương tiện có thể được đi lại trong thời gian tới, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an) cho biết, việc điều tiết phương tiện giao thông tại các cửa ngõ trong đó có cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ; cao tốc Nội Bài – Lào Cai…, Hà Nội vẫn sẽ là đơn vị chủ trì.

Trong đó, các tổ công tác Cục Cảnh sát giao thông vẫn sẽ phối hợp với Phòng Cánh sát giao thông Hà Nội để phân luồng, điều tiết giao thông. Lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân. Đặc biệt là các lái xe trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các quy định của thành phố Hà Nội để đẩy lùi, ngăn chặn dịch COVID-19.

Người lưu thông qua một chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại Hà Nội xuất trình giấy tờ cho lực lượng chức năng.

Về phương án điều tiết giao thông trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, khi UBND Thành phố, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có văn bản chỉ đạo, đơn vị sẽ có phương án cụ thể.

Thiếu tá Lý Thị Thu Trang - Đội phó Đội chỉ huy điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 202 camera gắn tại các tuyến đường. Những “mắt thần” do đơn vị quản lý ngoài ghi nhận các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, còn phối hợp với các đơn vị tham gia điều tiết giao thông.

Camera được gắn trên các nút giao thông sẽ ghi nhận phương tiện đi lại. Nếu xảy ra ùn ứ, đông đúc, hình ảnh sẽ được báo cho các đội để nhanh chóng điều tiết, phân luồng.

Giám sát chặt chẽ, tạo "luồng xanh" cho vận tải hành khách

Thiếu tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 6 thông tin, phần lớn các doanh nghiệp vận tải đã được tháo gỡ những khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Còn các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, liên tỉnh cũng đang được xem xét mở lại. Chính vì vậy, dự kiến trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm, lượng người và phương tiện sẽ tăng cao nên lực lượng chức năng sẽ tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong những tháng cuối năm.

Theo Thiếu tá Chiến, giải pháp trước mắt vẫn là phân luồng giao thông từ xa, kiểm soát chặt chẽ những phương tiện giao thông được hoạt động. Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, đơn vị cũng đề xuất mở dần theo quy mô, số lượng các đơn vị vận tải để từng bước quản lý. Đồng thời có thể xem xét các loại hình vận tải chạy trong từng khung giờ quy định để đảm bảo giao thông cũng như quy định phòng chống dịch.

Thiếu tá Chiến cho rằng, khu vực bình thường mới ngoài các loại xe được phép lưu thông như trước đây thì có thể, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy. Trong đó, các xe khách hợp đồng sẽ được Sở GTVT cấp phép hoạt động có mã QR Code để kiểm soát số lượng. Xe buýt sẽ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể qua các thông báo của Sở GTVT. 

Đề xuất sớm tổ chức hoạt động vận tải khách sau nới lỏng giãn cách. Ảnh: P.Đ

Đưa ra giải pháp về việc di chuyển an toàn, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khuyến cáo người dân thực hiện việc khai báo “di chuyển nội địa”. Thường xuyên khai báo y tế và cập nhật tình hình sức khoẻ trên sổ sức khỏe điện tử. Với phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh và công cộng, có thể áp dụng giải pháp “Di chuyển an toàn”, gồm 3 chức năng cảnh báo: “Không đeo khẩu trang”, “Khoảng cách gần” và “Quá số người trên xe”, để hỗ trợ phòng dịch COVID-19 trên các phương tiện giao thông.

Nếu trong ngưỡng an toàn, phần mềm hiển thị biểu tượng màu xanh. Nhưng nếu quá ngưỡng an toàn, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo kèm biểu tượng màu đỏ, để các doanh nghiệp vận tải có phương án sắp xếp, điều chỉnh. Giải pháp này sẽ hỗ trợ đếm số lượng hành khách có trên xe, theo dõi việc không đeo khẩu trang hoặc ngồi quá gần nhau.

Theo ông Liên, cần sớm triển khai “luồng xanh” cho hoạt động vận tải hành khách công cộng. Trong đó, phương án được xây dựng phải đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán ngay từ đầu, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, mỗi địa phương “đẻ” ra thêm một quy định mới.

Trước đó, ngày 29.9, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội (HAPTA) đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho phép xe buýt trên địa bàn hoạt động trở lại. Hiện nay, người lao động trong các doanh nghiệp xe buýt hầu hết đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19; phương tiện đã được khử khuẩn; hành khách có đeo khẩu trang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn