MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dưới 18 tuổi lái xe không cần bằng lái xe tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh minh họa: Tô Thế

Kiến nghị bỏ quy định "xóa trắng" người dưới 18 tuổi không cần bằng lái xe

Hiếu Anh LDO | 20/05/2024 21:07

Trao đổi với Báo Lao Động chiều 20.5, ông Nguyễn Tô An - Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang quy định người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được điều khiển xe gắn máy nhưng không cần bằng lái xe tiềm ẩn nguy hiểm tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Tô An - Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam - chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Hiếu Anh

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy. Tuy nhiên, đối tượng này không cần bằng lái xe.

Góp ý Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị độ tuổi của người lái xe nên quy định như sau: Người đủ 15 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng AM được điều khiển xe gắn máy; người đã được cấp giấy phép lái xe hạng AM khi đủ tuổi để cấp giấy phép lái xe hạng A1 thì được miễn kiểm tra lý thuyết.

Đồng bộ quy định này, dự thảo luật cần bổ sung hạng giấy phép lái xe mới là hạng AM. Hạng giấy phép lái xe này cấp cho người lái xe gắn máy.

Lý giải về đề xuất của mình, Cục đăng kiểm cho biết, hậu quả của tai nạn giao thông đối với bản thân, gia đình và xã hội là rất nặng nề, đe dọa đến sinh mạng, sức khỏe của con người và trật tự an toàn xã hội.

Đối với bản thân người bị tai nạn giao thông: Về mặt sức khỏe, người bị tai nạn giao thông có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, từ những chấn thương nhẹ đến những hậu quả tàn phế hoặc thậm chí tử vong.

Họ cần phải trải qua quá trình điều trị, phục hồi và thích nghi lại với cuộc sống, đồng thời có tác động đáng kể đến tâm lý và tinh thần của người bị tai nạn. Những thiệt hại này có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, làm việc và cuộc sống hàng ngày của họ.

Không những vậy, gia đình người bị tai nạn phải trải qua những cảm xúc đau đớn, lo lắng và sợ hãi.

Họ phải đối mặt với tình huống khó khăn và cảm nhận áp lực từ việc chăm sóc người thân bị tai nạn khiến tâm lý có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra sự không ổn định và căng thẳng trong mối quan hệ gia đình.

Ngoài ra, hậu quả tài chính cũng là một khía cạnh quan trọng khi phải chi trả một phần hoặc toàn bộ các chi phí y tế, chi phí di chuyển và chi phí chăm sóc sau tai nạn.

Đối với xã hội, tai nạn giao thông gây mất mát đáng kể về nguồn nhân lực, đặc biệt là trong nhóm độ tuổi lao động.

Những người trẻ tuổi và có năng lực lao động cao thường là nạn nhân chính của tai nạn giao thông.

Ngoài ra, các cơ sở y tế phải đối mặt với việc tiếp nhận và điều trị những người bị thương nặng sau tai nạn, cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng và tái hợp xã hội cho những người bị ảnh hưởng tạo áp lực và tốn kém cho hệ thống y tế và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu y tế của xã hội.

Thêm vào đó, việc sửa chữa cơ sở hạ tầng, chi phí y tế và hậu quả về việc không thể làm việc hoặc giảm năng suất lao động đều tạo ra sự sụt giảm kinh tế, khả năng phát triển chung của xã hội.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia thì có đến 60% các vụ tai nạn giao thông là do xe máy (gồm cả xe máy điện).

Đặc biệt, gần 90% số nạn nhân thương vong do TNGT là người đi mô tô, xe máy với mức nguy hiểm gấp 4 lần ô tô con, 10 lần xe buýt, 13 lần tàu điện đô thị.

Trong đó số lượng người đi mô tô, xe gắn máy có độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi là rất lớn (khoảng hơn 3 triệu người), đồng thời nhận thức về mặt xã hội, kiến thức hiểu biết về tham gia giao thông an toàn ở lứa tuổi này còn nhiều hạn chế.

"Tuy nhiên như quy định hiện tại cũng như Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ không yêu cầu phải có giấy phép lái xe, điều đó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và trật tự an toàn xã hội. Mà nguyên nhân chính của tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chính vì vậy, việc quy định tuổi được đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho lứa tuổi này là hết sức cần thiết và phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay" - Cục Đăng kiểm nhấn mạnh.

Ngày 20.5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã họp phiên trù bị và khai mạc, kỳ họp dự kiến bế mạc vào ngày 28.6.2024.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến thông qua nhiều luật trong đó có Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn