MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên Quốc lộ 20 do lái xe của nhà xe Thành Bưởi. Ảnh: Minh Châu

Lái xe dịch vụ chạy ẩu, nỗi ám ảnh của hành khách

Ngọc Thiện LDO | 13/12/2023 05:30

Chạy ẩu (dưới góc độ vi phạm an toàn giao thông) gây tai nạn, theo chuyên gia, nếu xét về trách nhiệm dân sự, lái xe phải có nghĩa vụ bồi thường, còn nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy tố.

Hiện nay, có thể nói nhu cầu di chuyển của người dân là rất lớn, đặc biệt ở những thành phố lớn. Tại Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh, có thể dễ dàng bắt gặp màu xanh lá cây, màu vàng, màu da cam của xe ôm công nghệ. Với phương tiện dịch vụ là ôtô, đó là biển kiểm soát màu vàng (biển ôtô kinh doanh vận tải).

Chị H.T (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, nhiều lần bản thân chị từng gọi xe công nghệ để di chuyển, từ xe ôm cho đến ôtô. Sau một thời gian, chị quyết định không sử dụng dịch vụ hai bánh.

"Người lái xe ai cũng sẽ có cách tham gia giao thông khác nhau, nhưng trên hết phải tuân thủ luật. Rất nhiều lần tôi gọi xe ôm công nghệ, lái xe chạy rất ẩu như cố tình vượt đèn đỏ, lạng lách, vượt xe tải ở khoảng cách rất gần. Tôi đã có lời với lái xe nhưng họ chỉ nghe theo một đoạn gắn rồi đâu lại vào đấy" - chị T kể.

Theo luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw), một trong những trách nhiệm của lái xe hành nghề là đảm bảo an toàn cho hành khách. Do đó, dưới tư cách một người tham gia giao thông, lái xe dịch vụ đương nhiên có trách nhiệm tuân thủ luật giao thông để đảm bảo an toàn không chỉ tính mạng của bản thân mà còn tính mạng của tất cả những người ngồi trên chuyến xe (bao gồm cả tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông).

Vị chuyên gia pháp lý do cho biết, theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong các vụ tai nạn giao thông thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như môtô, ôtô... được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào việc thiệt hại là do con người hay do phương tiện.

Nếu thiệt hại do phương tiện hoặc không liên quan đến ý chí của người cầm lái (nổ lốp, đứt phanh, xe khác đi ẩu va chạm...), chủ sở hữu xe có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Nếu chủ xe giao xe cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường. Chủ xe, người chiếm hữu, sử dụng xe có trách nhiệm phải bồi thường cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị hại. Nếu xe bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (xe bị lấy trộm, cướp), người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật có trách nhiệm phải bồi thường.

Ở trường hợp lỗi tai nạn là do hành vi của con người, (ví dụ người điều khiển phương tiện chạy xe quá tốc độ, vượt đèn đỏ... gây tai nạn), tài xế phải bồi thường căn cứ theo Điều 586 Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, nếu người gây tai nạn là người của pháp nhân hoặc người làm công và gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc được pháp nhân, người thuê mướn giao cho thì pháp nhân, người thuê mướn sẽ phải bồi thường thiệt hại. Nếu pháp nhân, người thuê mướn đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

"Bên cạnh đó, nếu xác định được lỗi thuộc về người lái xe thì căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận của cơ quan Công an, lời khai của nhân chứng, kết quả giám định pháp y, người điều khiển xe có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức án cao nhất lên đến 15 năm tù" - Luật sư Phạm Ba Đô cho hay.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vô ý làm chết người. Theo đó, vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả làm chết người nhưng tin rằng, hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn