MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nút giao An Sương - điểm cuối tuyến đường trên cao số 5. Ảnh: Anh Tú

Lần đầu tiên, TPHCM làm đường trên cao dài 21,5 km hơn 15.000 tỉ đồng

MINH QUÂN LDO | 29/12/2023 16:01

TPHCM – Đường trên cao số 5 (từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương) dài 21,5 km, rộng 4 làn xe có tổng mức đầu tư hơn 15.400 tỉ đồng dự kiến triển khai giai đoạn 2024 - 2030.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM được Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TPHCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km. Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa có dự án nào thực hiện.

Mới đây, tuyến đường trên cao số 5 (từ nút giao Trạm 2 đến ngã tư An Sương) tổng vốn hơn 15.400 tỉ đồng được Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND TPHCM cân đối nguồn vốn triển khai trong giai đoạn 2024 – 2030.

Tuyến đường dài 21,5 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) đi trùng Quốc lộ 1 đến nút giao An Sương (Quận 12).

Theo Sở GTVT TPHCM, tháng 6.2021, UBND TPHCM đã chấp thuận giao Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO nghiên cứu lập đề xuất dự án đường trên cao số 5 theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Do tổng mức đầu tư dự án lớn, để đảm bảo phương án tài chính, Sở GTVT TPHCM đề xuất thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98 của Quốc hội để tăng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án.

Theo đó, ngân sách TPHCM sẽ tham gia thực hiện dự án với tỉ lệ 70% tổng vốn đầu tư – tương đương khoảng 10.800 tỉ đồng.

Nút giao Trạm 2 - điểm đầu tuyến đường trên cao số 5 đang được đề xuất đầu tư theo hợp đồng BOT. Ảnh: Anh Tú

Sở GTVT TPHCM cho biết, Quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương là tuyến huyết mạch nối từ phía Đông sang phía Tây TPHCM, mật độ xe đông nên thường ùn tắc.

Đường trên cao số 5 khi hình thành góp phần giảm kẹt xe những tuyến hiện hữu như Quốc lộ 1, Cộng Hòa, Trường Chinh... Việc xây dựng trên cao sẽ khả thi hơn so với mở rộng đường do ít phải đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư dọc bên. Đường trên cao chủ yếu dùng mặt bằng dải phân cách giữa sẽ giảm ảnh hưởng giao thông trên tuyến.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, lý do thời gian qua chưa có tuyến đường trên cao nào được xây dựng bởi thiếu vốn.

Trước đây, TPHCM cũng đã tổ chức kêu gọi đầu tư các tuyến đường trên cao và có một số nhà đầu tư quan tâm, tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, các tuyến đường có tổng mức đầu tư rất lớn, nhất là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng nên sau khi nghiên cứu, nhà đầu tư âm thầm rút lui vì thấy khó đảm bảo phương án tài chính.

“Với nguồn lực hạn chế, TPHCM đang ưu tiên đầu tư Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái. Do đó, thành phố đang tìm nguồn vốn, phương thức đầu tư và chọn thời điểm đầu tư các tuyến đường trên cao làm sao cho hiệu quả” – ông Lâm nói.

Ngoài tuyến đường trên cao số 5, TPHCM còn có 4 dự án đường trên cao khác đã quy hoạch, gồm:

Tuyến số 1 dài 9,5 km, 4 làn xe, từ nút giao Lăng Cha Cả chạy dọc theo đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (Phú Nhuận) - giao với Điện Biên Phủ (Bình Thạnh). Tại đây, tuyến tách một nhánh đi lên, nhánh còn lại kéo dài theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc trước cầu Phú An (Bình Thạnh), gần Metro số 1.

Tuyến Số 2 dài gần 12 km, điểm đầu giao với tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - kéo dài dọc công viên Đầm Sen - rạch Bầu Trâu - Hương Lộ 2 kết thúc tại điểm giao Quốc lộ 1.

Tuyến số 3 dài hơn 8 km, điểm đầu giao với tuyến số 2 tại đường Thành Thái (Quận 10) - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh.

Tuyến số 4 dài 7,3 km, bắt đầu từ Quốc lộ 1 (giao với tuyến số 5) - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật - Phan Chu Trinh rồi nối vào Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1.

Ngoài các tuyến đã quy hoạch, năm 2021, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đề xuất làm tuyến đường trên cao nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với Nam Sài Gòn theo hình thức PPP, tổng vốn hơn 38.000 tỉ đồng.

Dự án dài 14,1 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình), sau đó chạy dọc các tuyến Cộng Hoà - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh (Quận 7).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn