MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các biển báo làn đường dành riêng cho xe buýt được dỡ bỏ để thay thế biển theo quy chuẩn. Ảnh: Tô Thế

Lí do tháo biển báo "Làn đường dành riêng cho xe buýt" trên tuyến BRT

Tô Thế LDO | 19/12/2023 23:34

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang thực hiện tháo dỡ biển báo "Làn đường dành riêng cho xe buýt" trên tuyến buýt nhanh BRT.

Dư luận đang xôn xao trước hình ảnh công nhân tiến hành tháo dỡ biển báo "Làn đường dành riêng cho xe buýt" trên tuyến buýt nhanh BRT. Nhiều người thắc mắc liệu có phải sẽ dừng hoạt động tuyến buýt này.

Công nhân tháo dỡ biển báo “Làn dành riêng cho xe buýt“. Ảnh: Fb Vương Trạch Vinh

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Lao Động, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đang thực hiện kế hoạch sơn kẻ, bổ sung biển báo... trên tuyến buýt nhanh BRT.

"Biển báo đó (biển báo đang được tháo dỡ - PV) được lắp đặt khi triển khai dự án, hiện Sở đang tiến hành thay thế biển theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia mới nhất về báo hiệu đường bộ."- Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin.

Theo đó, việc thay thế biển sẽ hoàn thành trong ít ngày tới.

Biển báo làn đường dành riêng cho xe buýt (Khoanh đỏ) trên tuyến buýt nhanh BRT trước đây. Ảnh: Tô Thế

Ghi nhận của PV trong ngày 19.12, nhiều vị trí đã hoàn thành việc tháo dỡ biển "Làn đường dành riêng cho xe buýt" trên tuyến BRT. Trong đêm 19.12, lực lượng chức năng tiếp tục tháo dỡ ở các vị trí còn lại.

Các biển báo làn đường dành riêng cho xe buýt được dỡ bỏ để thay thế biển theo quy chuẩn. Ảnh: Tô Thế

Trước đó Sở GTVT Hà Nội cho hay, theo quy hoạch hệ thống xe buýt nhanh BRT trên địa bàn Hà Nội từ năm 2011 đến 2030 tầm nhìn 2050 sẽ có 11 tuyến, chiều dài hoạt động 316km. Đến nay, sau 12 năm thực hiện, thành phố đã thực hiện được 1 tuyến là tuyến BRT số 01 lộ trình Kim Mã - Hà Đông với 14km, đạt khoảng 4,4% nhu cầu.

Với định hướng phát triển buýt BRT, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) gồm đường sắt đô thị và xe buýt trong đó có buýt BRT vẫn được xác định là trụ cột của VTHKCC.

Còn mới đây, theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà UBND Hà Nội công bố để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư, UBND TP Hà Nội có phương án làm thêm 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có một tuyến sẽ thay thế buýt nhanh BRT qua trục đường Lê Văn Lương (tuyến số 01 BRT Kim Mã - Hà Đông) nhằm đạt được mục tiêu phục vụ 40 - 60% nhu cầu đi lại của người dân, cùng với 10 tuyến đã có quy hoạch và đang thực hiện.

Tuyến xe buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã – Hà Đông được thành phố Hà Nội đưa vào sử dụng tháng 12.2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng). Dự án xây dựng làn đường dành riêng rộng 2,5 mét ở bên trái sát dải phân cách giữa cho xe buýt hoạt động (buýt thường dừng đón, trả khách ở làn phải sát vỉa hè). Tuyến có chiều dài 14km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá 5,03 tỉ đồng/xe.

Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn