MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn giữa tàu Thống Nhất SE5 và xe đầu kéo chở sắt. Ảnh: Hồng Quang

Liên tiếp xảy ra tai nạn đường sắt và hiểm họa từ các lối đi tự mở

PHẠM ĐÔNG LDO | 07/02/2023 07:36

Liên tiếp 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội trong những ngày đầu năm mới.  Điều này đã dấy lên cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông tại các tuyến đường sắt giao nhau với đường dân sinh, các lối đi tự mở.

Liên tục xảy ra va chạm giữa tàu hỏa với ôtô, xe máy ở Hà Nội

Ngày 28.1, một vụ tai nạn giao thông đường sắt đã xảy ra tại km28+800 đường sắt Bắc - Nam, trên đường bộ là km203+800 quốc lộ 1A, đoạn thuộc địa bàn xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội.

Vụ tai nạn xảy ra giữa tàu khách Thống Nhất SE5 đầu máy D19E-908 đâm va với xe ôtô đầu kéo biển số 15C-052.20, kéo theo rơmooc biển số 15R-114.36, trên xe chở sắt. Sau cú tông mạnh, đầu máy kéo tàu bị bẹp phần đầu, không thể tiếp tục chạy được. Lúc xảy ra tai nạn trên tàu có 153 hành khách. 

Tiếp đó, khoảng 20h40 tối 29.1, tàu hỏa Thống Nhất chạy qua địa phận huyện Thanh Trì (Hà Nội) va chạm với ôtô con tại khu vực đường ngang giao cắt đường sắt.

Vào thời điểm trên, ô tô BKS 19A - 486.XX do anh L.A.T (25 tuổi, trú tại Phú Thọ) điều khiển lưu thông ra hướng đường Ngọc Hồi đã va chạm với đoàn tàu sắt số hiệu SE36 (đầu máy 901) chạy hướng Thường Tín - Giáp Bát. Hậu quả, ôtô biến dạng phần đầu ép vào phần rào sắt ven đường, barie cảnh báo bị gãy. 

Tàu hỏa va chạm ô tô con ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà

Đến đêm 4.2 tại Km8+050 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam (đoạn ngõ 268 đường Ngọc Hồi), tuyến tàu hỏa đang di chuyển về ga Giáp Bát theo lịch trình thì bất ngờ xuất hiện một chiếc xe máy mang BKS: 35B1 - 605.XX lưu thông từ đường Ngọc Hồi chạy cắt ngang khiến lái tàu không kịp phản ứng dẫn tới va chạm.

Va chạm khiến chiếc xe máy bị tông văng về phía trước gần 10m, người điều khiển xe máy may mắn đã kịp nhảy ra ngoài thoát nạn.

Theo Phòng CSGT Hà Nội, tai nạn liên quan đến đường sắt chủ yếu ở đường ngang, lối mở, giao cắt giữa đường bộ với đường sắt (70-80%). Trong năm 2022, Hà Nội xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 7 người chết và 4 người bị thương, tăng số vụ và người chết so với năm 2021.

Đã có không ít lần ôtô bị chết máy hay sập gầm khi vượt qua đường ray. Ảnh: Hữu Chánh

Không để tai nạn chực chờ tại đường ngang, lối mở

Chỉ trong vài ngày gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giữa tàu hỏa với các phương tiện giao thông khác ở Hà Nội. Nguyên nhân một phần đến từ việc người tham gia giao thông không chú ý quan sát khi lưu thông qua đường ngang giao cắt với đường sắt cho dù có tín hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Trong khi đó, tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua Hà Nội hiện có rất nhiều đường ngang, lối mở dân sinh. Mặc dù khi có tàu đến, nhân viên gác trực ra kéo barie, ngăn các phương tiện băng qua đường tàu nhưng nhiều người vẫn băng qua đường sắt, bất chấp nguy hiểm.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tính đến cuối tháng 9.2022, các đơn vị chức năng mới xóa bỏ được 418 lối đi tự mở, còn lại 3.606 lối đi tự mở. Thực tế, trong số hơn 3.600 lối đi tự mở còn lại này, có rất nhiều đường ngang vào làng xã, khu dân cư với hàng nghìn hộ dân sinh sống, nếu xóa bỏ hẳn thì dân sẽ không có lối đi.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đường sắt và không để xảy ra vụ tai nạn tương tự, VNR kiến nghị Hà Nội tổ chức kiểm tra, rà soát và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn phù hợp với từng lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Nhất là các lối đi tự mở có chiều rộng lớn hơn 3m, có đường bộ chạy song song với đường sắt và lưu lượng xe cơ giới đường bộ có tải trọng lớn qua lại.

Cùng đó hạn chế phương tiện giao thông qua các giao cắt này, chỉ cho phép xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2,5 tấn qua lại.

Đường ray nhiều nơi tại Hà Nội còn bị chiếm dụng làm nơi bán hàng rong. Ảnh: Hữu Chánh

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, Cục CSGT, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, trách nhiệm phải từ nhiều phía trong đó có cả người tham giao thông cũng như các đơn vị chức năng.

Việc rà soát lại những đường ngang, lối mở cũng như kiểm tra hệ thống cảnh báo, gác chắn, nâng cao hơn ý thức trách nhiệm của các cán bộ, công nhân viên gác chắn, lái xe, người dân sinh sống ở dọc các tuyến nơi có đoàn tàu đi qua là rất quan trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn